Ðồng đội
Truyện ngắn của LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
- Có ai ở nhà không? Ông Vọng lại đi lạc tôi đưa về nhà rồi này.
Tôi lật đật chạy ra vừa cảm ơn bác hàng xóm rối rít vừa đưa nội vào nhà. Nội lại cứ vùng vẫy, hất tay tôi ra: - Cháu là ai? Sao cháu cứ ép tôi vào nhà cháu?
... Nội tôi năm nay già lắm rồi, giờ cũng đã lẫn nhiều. Nhân lúc người nhà không để ý nội lách nhanh qua cổng, lang thang ngoài đường lúc bảo đang tìm đường về nhà, khi đi tìm bạn chiến đấu… Nhưng những khi tỉnh, tôi luôn nhận được tình thương vô bờ bến từ nội, như thể ông muốn bù lại những lúc mê. Nhiều chiều khi đi làm về, từ xa đã thấy nội ngồi sẵn bên thềm đợi tôi. Vừa thấy tôi, nội đã cất tiếng: Thằng Đông đi làm về rồi đấy phải không?
Đông là tên bố tôi, vì bố con tôi nom tạc nhau nên nội vẫn hay nhìn nhầm. Năm ấy bố tôi qua đời đột ngột sau một tai nạn, trong khi bà nội tôi cũng mới nhắm mắt xuôi tay chỉ được ít lâu. Vì quá đau lòng nên nội đâm ra lẫn lộn từ ký ức đến hiện tại; nội tôi như cùng một lúc đang ở nhiều thời điểm khác nhau trong đời mình. Nhiều khi tôi nghĩ dại, có khi như thế lại tốt cho nội hơn vì mất mát quá lớn dồn dập thế kia nếu tỉnh chắc ông sẽ chịu không nổi đau đớn.
Tranh của họa sĩ VŨ TRỌNG ANH
Nội là cựu chiến binh nên trong vô thức cứ đến tầm tháng ba, tháng tư là những ký ức chiến trường lại dội về trong tâm trí. Khi tỉnh nội hay kể cho tôi nghe về những năm tháng chiến trường xưa, về những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh, về những cánh rừng trung du ở Hoài Ân nơi đơn vị của nội ém quân, về những ước mơ mà nội và đồng đội sẽ gieo vào hòa bình. Độ nén của thời gian trong những ngày bộn bề xưa cũ khốc liệt kia hẳn là rất lớn. Nó vừa đủ bao la lại vừa giàu chi tiết đến nỗi nhiều khi nội như đang tỉ mẩn kể ra những xưa cũ chiến tranh như từng thước phim đang chiếu trên mắt người.
Nhiều hôm mẹ tôi ngâm ít cà pháo cho bữa ăn, vừa dọn lên mâm, thấy bát cà nội rưng rức khóc, vẫn ăn cơm, vẫn nhai cà, nhưng không nói gì. Nội vốn rất chuộng những món quê, nhưng không món nào bằng cà muối chua. Chắp nhặt những mảnh ký ức lần hồi ghép lại tôi hiểu vì sao nội tôi như thế. Ký ức đôi khi cứ về từng mảnh trong cuộc sống thường nhật, những mẩu chuyện cứ được ghép lại từng chút một.
Đó là bữa cơm có nhiều cà pháo muối chua với ớt rừng, có nhiều rau muống dại và một ít đồ hộp chiến lợi phẩm… Chỉ từng đó thôi nhưng đó là một bữa đại tiệc trong chiến tranh. Nhưng một trận bom lạc đã xóa sạch tiểu đội, chỉ sót lại nội, có lẽ do hơi bom hất nội xuống dòng suối cạn gần đó nên nội thành người sống sót duy nhất. Rồi dường như được cả tiểu đội dồn sức cho nên nội cứ thế cùng đại quân giải phóng quê hương, ngược xuôi mấy năm rồi về lại Bình Định, nơi mà đồng đội của nội đã nằm xuống, chỉ còn mỗi mình nội gieo ước mơ vào hòa bình. Trên thân thể nội không một vết xước.
Nội có một người bạn chiến đấu thân thiết mà nội thường hay nhắc, thỉnh thoảng lại đi tìm trong vô thức, đó là bác Phụng, vốn là anh nuôi trong đơn vị của nội. Tính hai người không hợp, rất hay cãi nhau người lại trọ trẹ tiếng Nghệ, kẻ lại cứ đằng hắng giọng Nẫu. Thế rồi trong một lần đi công tác, trúng ổ phục kích của địch, nội không may bị thương, thay vì thoát thân một mình thì bác Phụng nhất quyết vừa khóc vừa vác nội trên lưng mà chạy. Dạo chưa lẫn, cứ mỗi lần bác Phụng đến thăm, cứ thấy dáng bạn từ xa là nội đã khóc, đúng hơn là vừa khóc vừa cười. Hòa bình rồi ai về quê nấy, nhưng khi nội còn khỏe nội luôn dành thời gian để đi thăm đồng đội, cả người còn sống và người đã khuất. Nhưng rồi biến cố đến, chỉ còn bác Phụng đến thăm nội. Lần từ biệt nào họ cũng ôm nhau và nhắc tới nhắc lui câu “Vọng à, phải sống luôn cả phần cho chúng nó, nhớ nhé, chớ vội đi đấy”. “Phụng à, phải sống luôn cả phần cho chúng nó, nhớ nhé, chớ vội đi đấy”
Bẵng đi rất nhiều năm, nom nội và bác đều đã yếu, những chuyến thăm bắt đầu cứ thưa dần, chiếc điện thoại trở thành phương tiện liên lạc giữa họ. Nhưng dù có thưa đến mấy thì cứ tầm cuối tháng 3 bác Phụng lại vào Bình Định, đích thân ông đưa nội tôi lên Hoài Ân thăm đồng đội. Và thật kỳ lạ cứ đến tầm ấy thì dẫu có thể không được khỏe lắm nhưng nội tôi luôn minh mẫn. Nhưng lần cuối, khi ấy bác Phụng cũng đã yếu lắm rồi, còn nội tôi thì đang trong những ngày không minh mẫn, ông bất ngờ vào Bình Định thăm bạn bởi linh cảm sẽ không còn dịp khác. Khi thấy tôi cố gợi cho nội nhận ra bác Phụng thì ông ngăn tôi lại: Không cần đâu con, bác chỉ cần biết nội con vẫn còn khỏe là tốt rồi. Tới là để được gặp, là để thăm cho đỡ nhớ thôi mà. Ít nữa chắc ông ấy sẽ phải sống luôn cả phần của bác…
Khi nghe bạn nói vậy, đột nhiên mắt nội hay háy nước. Tôi không biết nội có nhớ ra bác Phụng hay không, nhưng nội bước tới ôm chầm lấy bạn, rời rạc mấy câu “Phải sống luôn cả phần cho chúng nó, nhớ nhé, chớ vội đi đấy Phụng nhé!”.
***
Tuổi già không chừa một ai thật, ít lâu sau bác Phụng mất giữa một ngày tháng 3, nghe điện thoại người nhà bác báo tin, đang lưỡng lự không biết có nên nói với nội không thì nội đã nghẹn ngào: Thế nó đi trước tao rồi à? Thế là năm nay tao phải đi một mình rồi, Phụng ơi… Phụng ơi…