Chờ thị trường bất động sản được khơi thông
Thị trường bất động sản gặp khó khiến nhiều ngành nghề, trong đó có ngành xây dựng cũng lao đao theo và thấp thỏm chờ đợi.
Kéo theo nhiều ngành nghề vào thế khó
Nói về khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS), ông Phạm Nam Quảng, Giám đốc dự án Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phú Mỹ - Quy Nhơn, dè dặt: Hiện tại người có nhu cầu mua nhà không dễ vay vốn ngân hàng;thông thường khách hàng sẽ vay khoảng 30% - 70% giá trị BĐS muốn mua, do vậy việc không thể vay ngân hàng làm cho khách hàng trì hoãn quyết định mua nhà. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn dù gần đây có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, nên khách hàng không muốn vay mua nhà. Ngoài ra, do khách hàng thiếu niềm tin vào thị trường, nên có tâm lý chờ đợi không giao dịch BĐS lúc này. Từ đó, ảnh hưởng mạnh tới mức độ thanh khoản của thị trường BĐS nói chung, cũng như kế hoạch kinh doanh của DN.
Khó khăn thị trường BĐS khiến nhiều ngành nghề, trong đó có ngành xây dựng cũng lao đao theo.
- Trong ảnh: Nhiều dự án đầu tư BĐS tại TP Quy Nhơn gặp khó. Ảnh: DŨNG NHÂN
Thực tế cho thấy, khi thị trường BĐS ngưng trệ và lâm vào khó khăn, nhiều DN thuộc hệ sinh thái xây dựng bị ảnh hưởng theo; không thể triển khai, xây dựng, buôn bán dự án, hoãn các hoạt động đầu tư. Trong đó, liên quan mật thiết chịu thiệt hại nặng nề là mảng thi công xây dựng, vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, môi giới…
Ông Nguyễn Tây Sơn, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Thịnh Hưng chia sẻ, sự suy giảm của thị trường BĐS nói chung và những khó khăn từ các đối tác cũng làm cho hoạt động của DN gặp khó khăn nhất định. Chưa kể, suốt thời gian dài, giá cả nguyên, vật liệu thi công liên tục tăng cao đã nâng giá thi công các công trình lên đáng kể. Từ cuối năm ngoái chúng tôi đã thực hiện nhiều chính sách dành cho khách hàng; cũng như cơ cấu, tổ chức hoạt động nội bộ để giảm thiểu khó khăn. Riêng nhân lực các đội thi công khoảng 150 người tập trung tại Bình Định, còn bộ phận ở TP Hồ Chí Minh chủ yếu duy trì hoạt động tư vấn thiết kế. Đơn vị đang thực hiện 50 công trình, nhưng lợi nhuận không cao, chủ yếu có việc làm giữ chân người lao động.
Các cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng cũng bị ảnh hưởng lớn khi BĐS “đứng hình”. Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Gạch Tuynen Bình Định, chia sẻ câu chuyện khó khăn dắt dây khi một số dự án BĐS dừng thi công hoặc thi công cầm chừng, tiền không về được do các chủ đầu tư kiệt vốn, cũng không vay được từ ngân hàng để trả cho DN thi công và đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng. Thậm chí có đơn vị đã đề cập đến việc “gá” đất, căn hộ để trả nợ khoản tiền cung ứng vật liệu.
Chờ khơi thông…
Ông Phạm Nam Quảng cho rằng, nhà nước cần có chính sách tiền tệ phù hợp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đảm bảo nguồn cung tín dụng cho thị trường, giúp người mua có thể tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để dự án hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, pháp lý để tạo niềm tin cho người mua nhà, cũng như điều kiện cần để ngân hàng tài trợ vốn cho dự án. “Riêng về đơn vị, chúng tôi tập trung vào các dự án nhà ở xã hội để có thể triển khai trong năm 2023, duy trì công việc cho người lao động”, ông Quảng cho hay.
Theo ông Bùi Tấn Lực, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định, hầu hết DN ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh vốn nhỏ, hoạt động dựa trên vốn tạm ứng một phần của chủ đầu tư, và vay của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay tín dụng cho DN xây dựng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất cao nên nhiều DN xây dựng “đứng ngồi không yên”. Một dự án xây dựng BĐS quy mô tầm trung thường kéo dài từ 1 năm trở lên, cùng với đó là công ăn việc làm cho nhiều lao động liên quan. Do đó, khi BĐS “đứng hình”, cũng giống như “đầu kéo” của nhiều ngành nghề phụ trợ khác bị khựng lại. Những biểu hiện thực tế từ thị trường đang chứng minh cho mối liên hệ mật thiết đó. Do vậy, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS không chỉ là câu chuyện của BĐS mà còn tạo tiền đề để cả chuỗi ngành phụ trợ có được cơ hội phát triển.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo, trên địa bàn tỉnh có 85 dự án đầu tư BĐS nhà ở đã, đang triển khai; trong đó, hoàn thành đưa vào sử dụng (toàn bộ và một phần dự án) 27 dự án. Hầu hết dự án BĐS đang gặp khó khăn. Cùng với kiến nghị gỡ khó của các nhà đầu tư, tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kiến nghị, đề xuất Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với thị trường BĐS và phục hồi, phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
MAI HOÀNG