TTYT huyện Vĩnh Thạnh: Nâng cao trình độ y bác sĩ, chủ động chăm sóc sức khỏe nhân dân
Dù ở huyện miền núi, còn nhiều khó khăn nhưng TTYT huyện Vĩnh Thạnh không ngừng nâng cao trình độ nhân lực, chủ động trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tập trung đào tạo nâng cao trình độ y, bác sĩ
Hiện Trung tâm có 32 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ CKII, 20 bác sĩ CKI. Lực lượng bác sĩ, nhân viên y tế trình độ sau đại học đạt trên 50%, góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Giúp được cái gì giúp, lo được cái gì lo” là quan niệm làm việc, chăm sóc sức khỏe nhân dân của TTYT huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: Đ. THẢO
Bác sĩ CKII Hứa Tự Thảo, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, chúng tôi nâng dần về trình độ. Y sĩ cho đi học chuyên tu, điều dưỡng từ trung cấp cho đi học đại học. Việc đầu tư nâng cấp trình độ, năng lực, đào tạo cho cán bộ y tế được tổ chức liên tục, thường xuyên. Hiện đang có 3 bác sĩ của TTYT huyện đi học CKI. Ở tuyến xã, chúng tôi cũng sắp xếp cho đi học CKI. Nhờ đó, Vĩnh Thạnh có 9 xã, thị trấn thì đã có 5 xã có bác sĩ CKI. Hơn thế nữa, chúng tôi xây dựng cơ chế, bác sĩ CKI của xã sẽ luân phiên về công tác tại TTYT. Bác sĩ của tuyến huyện sẽ luân chuyển về xã. Qua đó giúp anh em đồng bộ về trình độ, kinh nghiệm.
Cùng với đó, đối với các bác sĩ mới ra trường, TTYT huyện Vĩnh Thạnh cũng tập trung đào tạo ngay từ đầu. “Các bác sĩ mới ra trường được cho đi đào tạo CKI 6 tháng, rồi gửi đến BVĐK tỉnh đào tạo định hướng chuyên khoa mà mình sẽ cho đi học trong 6 tháng nữa. Sau đó, gửi cho Trường ĐH Y - Dược Huế học CKI. Sau 2 năm học tập, họ sẽ làm rất tốt vì đã có cả lý thuyết và thực hành. Ngoài ra, chúng tôi còn cử cán bộ đi đào tạo theo kíp tại BVĐK tỉnh, cứ mặt nào mà yếu thì thành lập 1 kíp đi học, cử luân phiên hết kíp này đến kíp khác, tránh việc phụ thuộc 1 kíp, khi nghỉ thì thiếu người” - bác sĩ Hứa Tự Thảo thông tin thêm.
Nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân
Hiện tại, TTYT huyện Vĩnh Thạnh có thể triển khai hơn 300 loại thủ thuật, phẫu thuật vượt tuyến, được Sở Y tế thẩm định, phê duyệt, đảm bảo xử trí tốt các trường hợp cấp cứu. Theo bác sĩ Hứa Tự Thảo, TTYT huyện Vĩnh Thạnh thực hiện tốt nhiều phẫu thuật, thủ thuật vượt tuyến nhưng gần đây do có quy định tuyến nào thực hiện thủ thuật y khoa của tuyến đó nên TTYT buộc phải chuyển viện. Tuy nhiên, ở những trường hợp nguy cấp, nếu chuyển viện nhiều khả năng sẽ tử vong trên đường đi, với sự cam kết của người nhà, TTYT huyện Vĩnh Thạnh sẽ thực hiện.
“Ví dụ như truyền máu thì Trung tâm đã làm tốt nhưng theo quy định phải chuyển viện. Ở trường hợp nguy cấp chúng tôi sẽ thực hiện. Khi đó sẽ lấy máu của anh em trong bệnh viện, ở đây có một danh sách máu sống đã được xét nghiệm sẵn. Khi có tình huống khẩn cấp xảy ra thì anh em sẽ chung tay giúp bệnh nhân” - bác sĩ Thảo cho biết.
Bên cạnh đó, TTYT huyện Vĩnh Thạnh cũng đưa một số máy siêu âm, máy xét nghiệm đường huyết về một số xã xa để phục vụ người dân và không thu phí. Cùng với đó, Trung tâm cũng đặt một máy siêu âm tại Khoa Sản để các bác sĩ siêu âm, tầm soát thai nhi phát hiện các trường hợp bất thường để điều trị trực tiếp tại Khoa và vẫn không đặt nặng vấn đề thu phí. Các bác sĩ này cũng đã được Trung tâm cho đi học về siêu âm.
Đang được điều trị bệnh tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh, bà Nguyễn Thị Cảm, 60 tuổi, ở xã Vĩnh Hảo, cho biết: Tôi vừa bị tiểu đường vừa bị sốt xuất huyết. Sau 1 tuần được các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc tôi thấy đỡ hơn rất nhiều.
Theo ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành y tế của huyện cũng đã cố gắng và có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của huyện. Qua đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân huyện Vĩnh Thạnh ngày càng được quan tâm, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, công tác y tế dự phòng cũng được tập trung làm tốt.
THẢO KHUY