Chính phủ đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn
Trong bản thảo vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá cần quy định thời hạn sử dụng, sở hữu nhà chung cư.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khác với các phiên bản dự thảo trước đây, Bộ Xây dựng nêu nhiều phương án, tại dự thảo luật này, Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất: sở hữu nhà chung cư cần có thời hạn.
Chung cư dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Hà Nội, tháng 7.2022. Ảnh: Ngọc Thành
Giải thích của Chính phủ là luật hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Do đó, họ không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn.
"Cần thiết phải bổ sung quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, cũng như việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư", tờ trình Chính phủ nêu.
Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận. Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.
Tại các hội thảo góp ý trước đó, các chuyên gia đều phản đối quy định này do cho rằng can thiệp tới quyền sở hữu tài sản của người dân. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng thời hạn sở hữu nhà chung cư tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Vì thế, ông đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cũng phản đối quy định sở hữu chung cư có thời hạn. Bởi, nhà chung cư hiện nay được xác lập quyền sở hữu dựa trên mua bán sòng phẳng theo cơ chế thị trường và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp.
Điểm mới nữa tại dự Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam.
Theo Chính phủ, Luật đất đai hiện không cho phép người Việt định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất ngoài dự án để xây nhà ở, cũng như không quy định cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng sử dụng đất . Trong khi đó, Luật Nhà ở hay Kinh doanh bất động sản lại cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà gắn liền với đất. Mâu thuẫn giữa các luật khiến việc công nhận quyền sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam khó khăn.
Do đó, tại dự thảo trình lần này, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà khi xây nhà ở trên đất thừa kế, tặng cho; mua, thuê nhà ở thương mại. Còn người nước ngoài được sở hữu nhà tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, trừ các dự án trong khu vực cần đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Khi được sở hữu nhà ở, cá nhân, tổ chức người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, thừa kế và sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư. Với nhà đất riêng lẻ tại khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường, họ chỉ được sở hữu tối đa 250 căn nhà.
Thời hạn sở hữu nhà với người nước ngoài không quá 50 năm và được gia hạn nếu có nhu cầu với trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế.
Ở lần sửa đổi này, Luật Nhà ở cũng bổ sung các quy định về phát triển nhà ở xã hội, để gỡ vướng về quy hoạch, bố trí quỹ đất, lựa chọn và ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Theo đó, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không dùng ngân sách sẽ được hưởng các ưu đãi, như được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất toàn bộ diện tích dự án.
Chủ đầu tư cũng được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp; được hưởng lợi nhuận định mức 10% với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Họ cũng được dành một phần quỹ đất hoặc phần diện tích sàn thuộc khối đế công trình để kinh doanh dịch vụ, thương mại và hạch toán riêng, hưởng lợi nhuận thu được từ kinh doanh này.
Giá bán nhà ở xã hội với các dự án không dùng nguồn ngân sách, sẽ được tính đúng, đủ các chi phí để chủ đầu tư thu hồi vốn xây dựng (gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, lãi vay), lợi nhuận định mức (10%) với phần diện tích xây nhà ở xã hội.
Trường hợp chủ đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê sẽ được bán nhà sau 10 năm theo giá thị trường, nhưng họ phải nộp tiền sử dụng đất, các loại thuế theo quy định.
Tương tự quy định hiện nay, người mua nhà ở xã hội chỉ được bán lại sau 5 năm mua, thuê nhà. Giá bán lúc này sẽ theo thị trường và họ phải nộp thuế thu nhập, nhưng không phải nộp tiền sử dụng đất.
Dự kiến, Ủy ban Thương vụ Quốc hội xem xét, thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp thứ 21, ngày 17.3.
(Theo ANH MINH/VnE)