Lễ hội cầu ngư ở Bình Ðịnh: Di sản cần được bảo tồn và phát huy
Dọc dài vùng ven biển Bình Ðịnh, ngư dân các làng chài thường tạo lập lăng để thờ cúng cá voi (ngư dân xưng tôn cá voi là Cá Ông, thần Nam Hải). Tập tục này gắn với lễ hội cầu ngư với nhiều trình thức đặc sắc thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân. Nét đẹp văn hóa này cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Dù chưa công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định thời điểm xuất hiện tục thờ cúng cá voi, lễ hội cầu ngư, nhưng lễ hội này được chính thức công nhận là từ thời nhà Nguyễn. Nhiều đời vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong tướng, phong thần cho cá voi với nhiều tước hiệu tôn xưng trang trọng, như: Nam Hải đại tướng quân, Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần, Nam Hải cự tộc ngọc lân thượng đẳng thần...
Lễ hội cầu ngư ở Bình Định mang đậm bản sắc riêng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Lễ hội cầu ngư tại các làng biển ở Bình Định, từ TX Hoài Nhơn vào đến các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn, diễn ra vào nhiều thời điểm khác nhau. Có nơi lấy ngày vua ban sắc phong cho Ông Nam Hải, có nơi lại lấy ngày Ông lụy (tức cá Ông gặp nạn dạt vào bờ) hoặc theo thời điểm mà làng xã thống nhất ấn định từ xa xưa… Có thể khác nhau về thời điểm nhưng tựu chung lễ hội cầu ngư nào cũng có 2 phần là lễ và hội. Phần lễ gồm các nghi lễ, như: Lễ nghinh thần nhập điện (tức thỉnh linh thần Nam Hải từ biển về Lăng Ông Nam Hải), lễ cầu quốc thái dân an, lễ tỉnh sinh, lễ khởi ca, lễ tôn vương… Phần hội có các hoạt động như biểu diễn hát bội, tổ chức thi các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao...
Lễ hội cầu ngư ở tỉnh Bình Định có một số nét riêng độc đáo mà làng biển nhiều nơi khác không có. Điển hình là múa gươm hầu thần - nghệ thuật diễn xướng dân gian bằng các động tác võ thuật cổ truyền Bình Định; hát múa bả trạo - nghệ thuật diễn xướng dân gian thể hiện bằng nghệ thuật hát bội với tuồng tích, chương hồi - tự xa xưa được ngư dân gìn giữ đến nay.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha, nhiều khả năng xuất phát điểm của nghệ thuật múa gươm hầu thần là từ làng chài Bình Thái, thuộc thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước do ông Bầu Đê, một người rất giỏi võ và giỏi hát bội (Bầu Đê là học trò của ông Dương Đồng Luân và ông Luân là học trò của nhà soạn tuồng nổi tiếng Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu) sáng tạo, dàn dựng, rồi lan truyền khắp nơi trong tỉnh.
Còn hát múa bả trạo do cụ Nguyễn Diêu sáng tạo, dựa trên điệu hò đưa linh viết nên tuồng “Hát bội Bả trạo” rồi giao cho ông Dương Đồng Luân. Ông Luân giao lại tuồng “Hát bội Bả trạo” cho ông Bầu Đê dàn dựng và dạy lại ngư dân Bình Thái, sau đó phát triển đến các làng biển trong tỉnh, rồi lan tỏa suốt một dải từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận.
Hiện tại, nghệ thuật hát múa bả trạo còn được nhiều địa phương ven biển bảo tồn, nhưng nghệ thuật múa gươm hầu thần thì chỉ còn ở làng chài Vĩnh Lợi (hiện nay gồm 3 thôn: Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2 và Vĩnh Lợi 3, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) và xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) giữ được.
Cụ Nguyễn Của, 88 tuổi, ở thôn Vĩnh Lợi 3, cho biết: “Ngày trước, làng biển Vĩnh Lợi có 4 dinh, mỗi dinh lưu giữ một nét nghệ thuật riêng phục vụ cho lễ hội cầu ngư, gồm: Dinh Vĩnh Bình có đội lục cúng, dinh Vĩnh An có đội chèo bả trạo, dinh Vĩnh Khương có đội múa gươm, dinh Vĩnh Thái có đội thuyền rồng. Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghệ thuật múa lục cúng bị thất truyền, ngư dân làng biển Vĩnh Lợi chỉ còn giữ được nghệ thuật múa gươm, hát múa bả trạo, đua thuyền rồng để phục vụ lễ cầu ngư”.
Điều hết sức oái ăm là tại các tỉnh, thành Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận…, lễ hội cầu ngư đã được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trong khi đó nơi khởi sinh ra nghệ thuật dân gian này lại chưa quan tâm đúng mức trong định hướng bảo vệ và phát huy giá trị.
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha cho rằng: “Tỉnh Bình Định nên sớm nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận lễ hội cầu ngư ở Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với đó, khi xây dựng hồ sơ di sản nhất định phải tôn xưng 2 nét độc đáo riêng có là nghệ thuật múa gươm hầu thần và hát múa bả trạo, đây là những giá trị riêng có thể hiện đậm đà giá trị văn hóa Bình Định”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN