Mấy điểm thú vị liên quan đến chợ Cây Bông
Chợ Cây Bông là chợ ở thôn Hiếu An, xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn, thuở xa xưa đây là một chợ lớn, có tên trong nhiều tài liệu lịch sử quan trọng.
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định dâng lên Gia Long năm 1806, có ghi nhận chợ này với tên gọi là chợ Cây Hoa khi mô tả con đường từ cửa Tây Nam trấn thành (tức thành Hoàng Đế) đi đến đồn nguồn An Tượng. Hoặc như sách Đại Nam nhất thống chí bản Duy Tân khắc in năm 1910 cho biết rõ ràng hơn về chợ này: “Chợ An Thuận tục danh là chợ Cây Bông ở huyện Tuy Viễn”.
Đoạn chép về chợ Cây Bông trong sách Hoàng Việt dư địa chí.
Tên chợ, Cây Hoa hay Cây Bông, thật ra chỉ là sự khác nhau về cách gọi của 1 cái chợ mà thôi. Nguyên là thời phong kiến có lệ kỵ tên húy của vua chúa, thân vương; ngay cả trong thường nhật, người dân cũng cẩn trọng lời ăn tiếng nói, phải gọi trại đi để tránh xúc phạm, bị gán cho tội phạm thượng. Vào triều Nguyễn, Hồng Nhậm là tên của vua Tự Đức, vì thế những chữ gọi “Hồng” phải đọc trại thành “Hường”. Tên của mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên phải kiêng cữ chữ “Hoa”. Địa danh ấp Hoa An của phường Hoa Phúc thời Gia Long ở Phù Cát ngày nay, sau phải đọc trại ra là ấp Ba An của phường Ba Phúc. Tương tự như chợ Đông Hoa ngoài Huế phải cải tên là chợ Đông Ba. Tên nữ tướng Thoại Hoa trong vở tuồng Ngũ hổ bình Tây cũng vì thế mà phải trại đi là Thoại Ba. Chợ Cây Hoa ở Bình Định buộc phải cải thành chợ Cây Bông cũng trong tình huống này.
Đến đây lại có một điểm thú vị nên biết, vậy tại sao chợ Cây Hoa không cải thành chợ Cây Ba như chợ Đông Ba, mà lại cải thành Cây Bông? Xét Hoàng Việt nhất thống dư địa chí khi viết về con đường từ cửa Tây Nam trấn thành (tức thành Hoàng Đế) đi đến đồn nguồn An Tượng có đoạn: “…dọc đường có dân cư và ruộng vườn xen nhau, đến sông Thiện Hiếu, tục gọi là sông Bến Bông…”. Bông với tự dạng như sách đã chép mang nghĩa là cây bông vải chứ không phải là bông hoa như nhiều người vẫn nhầm. Có lẽ vì ngày xưa Bến Bông là chỗ gom bông vải, là bến sông tấp nập đổi trao hàng bông vải nên đã thành tên. Chợ Cây Hoa gần Bến Bông, khi phải đổi tên vì kỵ húy, đã có sẵn tên, cải Cây Hoa thành Cây Bông thì cũng là dễ hiểu. Từ một đoạn chữ nghĩa địa danh, ta có thể hiểu thêm về phong thổ xưa của quê hương mình như thế.
Thời vua Duy Tân, chợ Cây Bông chịu ngạch thuế hạng 9, cùng hàng với các chợ lân cận như: Chợ Thái Bình (Đại Bình), chợ Đông Lâm, chợ Trung Ái. Chỉ là chợ dân sinh, nhưng phiên chợ lại thuộc nhóm chợ Gò Chàm, bấy giờ là chợ ở trung tâm tỉnh thành, ngày nay là chợ Bình Định, như thế cũng có thể đoán ra đây là một trung tâm mua bán giao dịch không hề nhỏ.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ