Ukraine nhập vũ khí lớn thứ 3 thế giới; Mỹ và Nga đầu bảng xuất khẩu
Ukraine là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới năm 2022, sau Qatar và Ấn Độ. Trong đó có khoảng 5.000 pháo phản lực dẫn đường từ Mỹ, 280 xe tăng từ Ba Lan, hơn 7.000 tên lửa chống tăng từ Anh.
Ngày 13.3, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết các gói viện trợ quân sự của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dành cho Kiev trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã đưa Ukraine trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới vào năm 2022, sau Qatar và Ấn Độ.
Ukraine cũng được xếp hạng là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 14 trên thế giới trong giai đoạn 5 năm 2018 - 2022, chiếm khoảng 2% số vũ khí nhập khẩu toàn cầu.
Binh sĩ Ukraine tham gia một cuộc tập trận tại địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine, gần biên giới với Belarus, ngày 11.3 - Ảnh: REUTERS
"Ukraine đã nhập khẩu rất ít các loại vũ khí lớn trong giai đoạn từ năm 1991 đến cuối năm 2021. Điều này đã thay đổi sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2-2022, khi Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu gửi số lượng lớn viện trợ quân sự cho Ukraine" - SIPRI nhận định.
Trong số 29 quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Ukraine trong năm 2022, các nhà cung cấp lớn là Mỹ (chiếm 35% tổng số vũ khí nhập khẩu của Ukraine trong năm), Ba Lan (17%), Đức (11%), Vương quốc Anh (10%) và Cộng hòa Czech (4,4%).
Nhiều vũ khí được cung cấp cho Ukraine vào năm 2022 là các loại có sẵn trong kho, bao gồm 228 khẩu pháo; khoảng 5.000 pháo phản lực dẫn đường từ Mỹ; 280 xe tăng từ Ba Lan; hơn 7.000 tên lửa chống tăng từ Anh...
Một số vũ khí mới sản xuất cũng được cung cấp, chẳng hạn các hệ thống phòng không của Đức, Ba Lan, Anh và Mỹ.
Trong nhiều trường hợp, vũ khí cấp cho Ukraine là do các quốc gia hoặc Liên minh châu Âu (EU) tài trợ thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF). Ví dụ, tính đến cuối năm 2022, EU đã cung cấp 3,1 tỉ euro (3,3 tỉ USD) để mua vũ khí cho Ukraine.
SIPRI thông tin thêm rằng số vũ khí nhập khẩu của các quốc gia châu Âu đã tăng mạnh 47%. Trong khi đó, các thành viên tại châu Âu của liên minh quân sự NATO có mức tăng nhập khẩu vũ khí đến 65%.
"Ngay cả khi mức chuyển giao vũ khí trên toàn cầu giảm (5,1%), thì số vũ khí được chuyển đến châu Âu vẫn tăng mạnh do căng thẳng giữa Nga và hầu hết các quốc gia châu Âu khác" - ông Pieter D. Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp của SIPRI, lưu ý.
Ông cho biết thêm các nước châu Âu hiện nay còn muốn "nhập khẩu vũ khí nhiều hơn và nhanh hơn".
Ở chiều ngược lại, Nga và Mỹ vẫn là hai nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Thị phần bán vũ khí của Nga đã giảm từ 22% (giai đoạn 2013-2017) xuống 16% (giai đoạn 2018-2022), trong khi thị phần của Mỹ tăng từ 33% lên 40%. Ngoài ra, trong giai đoạn 2018-2022, doanh số bán vũ khí của Mỹ tăng 14%, trong khi doanh số của Nga giảm 31%.
(Theo BÌNH AN/TTO)