Ngành may xuất khẩu sớm ổn định, mở rộng sản xuất
Năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc ngành may xuất khẩu gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã năng động tìm ra nhiều giải pháp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; nhờ đó vừa giữ được việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động, vừa đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Tại Công ty CP May Hoài Ân, không khí làm việc tại các bộ phận diễn ra nhộn nhịp, khẩn trương. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ Quản lý nhân sự cho biết: Công ty hiện có 300 công nhân, thu nhập bình quân 6,5 - 7 triệu đồng/tháng/người. Do có đơn hàng liên tục, điều kiện kỹ thuật, yêu cầu thời điểm giao nhận rất chi tiết nên ngay từ trước tết Nguyên đán, chúng tôi đã động viên người lao động tuân thủ đúng lịch làm việc, bảo đảm tiến độ giao hàng cho các đối tác. Nhờ vậy, các xưởng sản xuất luôn có đủ công nhân. Công ty cam kết đảm bảo việc làm cho toàn bộ công nhân trong năm 2023. Đây là động lực và là yếu tố quyết định để người lao động ngày càng gắn bó và cống hiến hết mình cho DN.
Tháng 2.2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành may tỉnh ta đạt 23,4 triệu USD, tăng 196% so với cùng kỳ tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành may đạt 48,2 triệu USD, tăng 23,7% so cùng kỳ năm trước. Dự báo quý I/2023 sẽ tăng 62,1% so cùng kỳ năm trước. Một số DN như: Công ty TNHH Delta Galil, Công ty may Nhà Bè, Nhà máy may Phù Mỹ (Công ty CP Vinatex Đà Nẵng); Công ty TNHH May Vinatex Bồng Sơn đã đầu tư thêm dây chuyền, mở rộng quy mô sản xuất để thực hiện đơn hàng khai thác được.
Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Nhà máy may Phù Mỹ, cho biết: Lợi thế của nhà máy là có thị trường đầu ra ổn định, chuyên sản xuất hàng xuất khẩu cho các nước, trong đó Nhật Bản chiếm 90% nên ít bị ảnh hưởng so với DN của nhiều ngành tham gia hoạt động xuất khẩu khác, vốn chịu ảnh hưởng rất lớn từ tình hình kinh tế có nhiều biến động ở EU, Mỹ. Năm 2022, Nhà máy đã nộp ngân sách 18 tỷ đồng, ổn định việc làm cho 1.200 lao động với thu nhập bình quân 8,3 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, năm 2023, công ty sẽ nộp ngân sách từ 20 - 21 tỷ đồng.
Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu mặt hàng để vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa khai thác thị trường mới là điểm sáng tạo của nhiều DN ngành may xuất khẩu Bình Định. Ông Kin Ming Alfred, Tổng giám đốc Công ty TNHH B&Đ Lingerie Việt Nam, chia sẻ: Chúng tôi tập trung vào mặt hàng đồ lót cao cấp xuất khẩu nên thị trường đầu ra khá ổn định, chất lượng, mẫu mã sản phẩm được đối tác đánh giá cao. Năm 2022, doanh thu của Công ty đạt 11 triệu USD. Năm 2023, Công ty đầu tư thêm 4 triệu USD mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm lao động, phấn đấu nâng giá trị xuất khẩu lên 18 triệu USD.
Có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo là niềm vui lớn của công nhân ngành may xuất khẩu hiện nay.
- Trong ảnh: Một góc phân xưởng may của Công ty CP May Tây Sơn. Ảnh: HẢI YẾN
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, phải nỗ lực rất lớn để duy trì, ổn định sản xuất nhưng các DN may xuất khẩu vẫn tập trung đào tạo, nâng bậc tay nghề cho lao động, chú trọng ứng dụng kỹ thuật cao. Chị Nguyễn Thị Dung, 27 tuổi, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, cho biết: Công ty CP may Hoài Ân có chính sách hỗ trợ đào tạo 4 tháng cho lao động mới. Chúng tôi được đào tạo nghề miễn phí, hỗ trợ tiền ăn uống. Những lao động có kinh nghiệm ở các tỉnh, thành phố lớn về địa phương sinh sống được ưu tiên tuyển dụng ngay; lao động làm tốt có chế độ đãi ngộ khen thưởng phù hợp, khuyến khích động viên.
Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngành may xuất khẩu sẽ là ngành đầu tiên phục hồi, phát triển tốt nhất vào quý II/2023; dự báo những tháng cuối năm 2023, ngành này sẽ có nhiều đột phá. Hiện nay, nhiều DN đang mở rộng nhà máy, nâng cao năng lực sản xuất, điển hình là Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam, Công ty TNHH Seldat Việt Nam. Đặc biệt, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng xúc tiến đầu tư mở rộng Nhà máy may Phù Mỹ và xây dựng thêm một nhà máy nữa tại xã Mỹ Chánh (1.000 công nhân)...
HẢI YẾN