Tập huấn, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trực tuyến
Thực hiện quy định của Bộ NN&PTNT về phân cấp quản lý và cấp mã số vùng trồng, UBND tỉnh giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) tổ chức thực hiện. Theo đó, Chi cục đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, đào tạo và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trực tuyến.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục TT&BVTV) đã tiến hành thực hiện việc cấp mã số vùng trồng nội địa cho 4 vùng trồng với diện tích khoảng 65 ha gồm: Vùng trồng rau an toàn hợp chuẩn VietGAP của xã Phước Hiệp (Tuy Phước) với diện tích 13,34 ha; vùng trồng bưởi VietGAP của xã Ân Đức (Hoài Ân), diện tích 6,8 ha; vùng trồng rau an toàn hợp chuẩn VietGAP của khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) với diện tích 19,05 ha; vùng trồng rau an toàn hợp chuẩn VietGAP ở khu phố An Bình, thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) với diện tích 25 ha.
Vùng trồng rau an toàn hợp chuẩn VietGAP của HTXNN Thuận Nghĩa (Phú Phong, Tây Sơn) được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: THU DỊU
Theo Chi cục TT&BVTV, việc cấp mã số vùng trồng nội địa cho các vùng sản xuất đủ điều kiện là một trong những bước đi đầu tiên để chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Để việc cấp mã số vùng trồng diễn ra thuận lợi, ngay từ cuối năm 2022, Chi cục xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương rà soát lại các diện tích sản xuất trên địa bàn, phân loại các vùng, cây trồng thế mạnh… để có kế hoạch cấp mã số vùng trồng phù hợp. Mã số vùng trồng cấp cho vùng sản xuất được hiểu như là mã định danh cho nông sản. Để có mã, vùng sản xuất phải đảm bảo nhiều tiêu chí như: Về tổ chức quy mô sản xuất, quá trình canh tác, giám sát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp, thời gian cách ly trước, trong và sau thu hoạch nông sản, giám sát dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…
Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, cuối tháng 2.2023, Chi cục TT&BVTV cùng với Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn về HTX hướng dẫn các thủ tục, cấp mã số vùng trồng cho 19,05 ha vùng sản xuất rau hợp chuẩn VietGAP. Điểm thuận lợi của HTX là nhờ đã hợp chuẩn VietGAP nên vùng sản xuất đã thỏa mãn nhiều điều kiện theo quy định để được cấp mã số vùng trồng, như: Mẫu xét nghiệm đất, nước, kim loại nặng; các tiêu chuẩn về chất lượng… Trên cơ sở các chỉ số đánh giá đó, Chi cục và ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ HTX và cấp mã số nhanh chóng. Trước mắt, rau an toàn hợp chuẩn VietGAP của HTXNN Thuận Nghĩa sẽ cập nhật thêm thông tin mã số vùng trồng để đưa vào các kênh phân phối, tăng độ tin cậy và nhận diện sản phẩm với người tiêu dùng.
Tương tự, đến nay HTXNN Thanh niên Hoài Ân cũng có kế hoạch xây dựng các vùng liên kết sản xuất nông sản đủ tiêu chuẩn, thực hiện cấp mã số vùng trồng. Trong năm 2023, HTX liên kết và xây dựng vùng trồng bưởi hợp chuẩn VietGAP quy mô 100 ha, dừa xiêm hữu cơ 50 ha - toàn bộ diện tích này sẽ tiến hành cấp mã số vùng trồng. Các hộ tham gia liên kết sản xuất với HTX thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng và có sự hỗ trợ, giám sát của cán bộ kỹ thuật của HTX.
Ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, cho biết, Chi cục tập trung vào rà soát cấp mã số vùng trồng nội địa cho các vùng sản xuất đủ điều kiện trong tỉnh. Cử cán bộ trực tiếp xuống các địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức rà soát, hướng dẫn và cấp mã số vùng trồng trực tuyến cho các đơn vị, cá nhân; sau khi hoàn tất, Chi cục hướng dẫn cập nhật mã số vùng trồng lên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp và quản lý mã số vùng trồng của Bộ NN&PTNT để đảm bảo tính minh bạch, công khai và thực hiện giám sát được từ nhiều kênh.
Riêng với việc cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu hiện chưa thể triển khai liền. Theo quy định, việc cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu phải phụ thuộc vào các yêu cầu từ thị trường xuất khẩu. Theo kế hoạch, tỉnh Bình Định hướng tới thí điểm xuất khẩu ớt, đậu phụng sang thị trường Trung Quốc; xuất khẩu bưởi da xanh và xoài sang thị trường Mỹ. Trước mắt, Chi cục cùng với các địa phương rà soát hết các diện tích sản xuất, từng bước hướng dẫn người dân điều chỉnh quy trình sản xuất phù hợp với các yêu cầu từ các thị trường này; tiến tới đề xuất Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thẩm định và cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đủ điều kiện.
THU DỊU