KỶ NIỆM 80 NĂM RA ÐỜI “ÐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM” (1943 - 2023)
“Mặt trận văn hóa” trong tư tưởng Hồ Chí Minh và Ðề cương về Văn hóa Việt Nam
Khi Ðề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 được thảo luận và thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bị giam giữ ở nước ngoài. Tuy nhiên, nội dung Ðề cương có những tương đồng căn bản với tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa; đặc biệt là về “mặt trận văn hóa”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến văn hóa. Tư tưởng về văn hóa của Người mang tính chất dẫn dắt, định hướng cho quá trình xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt của Người là “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa là nền tảng, động lực cho sự phát triển xã hội.
Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 dưới sự chỉ đạo của Đảng, do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Đây là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ.
Đề cương đã phân tích đúng đắn, toàn diện tình hình đời sống văn hóa dưới ách thống trị của Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ cấp thiết, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân; là động lực tạo nên sự thay đổi đột phá về tư tưởng, về văn hóa.
Theo Đề cương, văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Đề cương xác định rõ quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị: Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc).
Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa: Mặt trận văn hóa là 1 trong 3 mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa); ở đó người cộng sản phải hoạt động - không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Và, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
Nội dung này cho thấy rõ sự tương đồng về mặt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh (người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh), khi xác định văn hóa là 1 trong 3 mặt trận cách mạng: Chính trị, kinh tế, văn hóa.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa có vị thế ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Mối quan hệ giữa văn hóa và các lĩnh vực này đan xen chặt chẽ với nhau, văn hóa phải ở trong kinh tế, chính trị và ngược lại. Văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là lĩnh vực thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội.
Người từng khẳng định: “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Đồng thời, “phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”; “phải xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”.
Mặt khác, luận bàn về mặt trận văn hóa và chiến sĩ văn hóa, trong “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 5.1.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
* * *
Đã 80 năm trôi qua, nội dung và giá trị tư tưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đây cũng là văn kiện chuyển tải rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, góp phần quan trọng để văn hóa tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hôm nay và mai sau.
MAI LÂM