Một số khu dân cư phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn:
Sống chung với bụi đá
Nhiều năm qua, đời sống sinh hoạt, sản xuất, sức khỏe của hàng trăm hộ dân ở một số khu vực thuộc phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc khai thác, chế biến đá của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Trong khi đó, công tác kiểm tra, quản lý của ngành chức năng chỉ chiếu lệ.
Theo thông tin của bạn đọc qua “đường dây nóng”, chúng tôi đã đến nhà một số hộ dân và hiện trường các cơ sở khai thác, chế biến đá tại Nhơn Hòa. Hiện trên địa bàn phường có 6 công ty, doanh nghiệp chuyên khai thác, chế biến đá đang hoạt động. Tại khu vực Phú Sơn, mỗi ngày có hàng chục lượt xe chở đầy đất đá của Công ty TNHH 28/7 ra vào khu vực mỏ đá, nhưng việc che phủ thùng xe chỉ làm qua loa, khiến bụi bay mịt mù, tấp vào nhà dân. Nhà cửa, đường đi, vườn cây, giếng nước… tại các khu dân cư lân cận cũng phủ đầy bụi màu xám. Chị Huỳnh Thị Diệp, một người dân ở Khu vực Phú Sơn, phàn nàn: “Do thường xuyên tiếp xúc với bụi đá, tôi cùng nhiều người ở đây đều mắc những chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp, phổi. Nhà cửa của tôi nứt ngang nứt dọc nhiều chỗ, do những chấn động từ việc nổ mìn phá đá”.
Tại Khu vực Huỳnh Kim cũng cùng chung tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi đá. Chỉ tay vào vết nứt trên tường nhà mình, anh Lương Văn Hùng có nhà gần nơi khai thác đá của Công ty TNHH Tân Thái Bình lắc đầu ngao ngán: Hiện nay, các doanh nghiệp đã mở rộng quy mô khai thác, chế biến đá nên mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn. Tiếng động cơ máy xay bột đá, máy cưa đá, nổ mìn phá đá… phát ra hằng ngày tạo thành thứ âm thanh hỗn tạp, chát chúa “tra tấn” cuộc sống của chúng tôi. Việc nổ mìn phá đá tạo ra chấn động, làm nứt tường nhà của nhiều gia đình.
Việc khai thác, chế biến đá còn ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Anh Lê Văn Hùng, chủ cơ sở sản xuất rượu “Bàu Đá” Hùng Hoàng than phiền: “Cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá của tôi nằm gần khu vực khai thác, chế biến đá nên bụi đá bu bám khắp nơi. Để đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, gia đình tôi phải xây dựng phòng kín, không để sản phẩm tiếp xúc với bụi đá, làm cho chi phí sản xuất tăng thêm”.
Trao đổi về việc người dân phản ứng do bị ô nhiễm bụi đá, ông Lâm Xuân Vũ, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa, cho biết: Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá và gửi đơn kiến nghị cho cơ quan chức năng yêu cầu thực hiện một số giải pháp như xây dựng hệ thống phun nước giảm bụi, giảm lượng thuốc nổ mìn phá đá… nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Còn ông Trần Văn Vỹ, Phó trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã An Nhơn, thừa nhận: Việc gây ô nhiễm môi trường khi khai thác, chế biến đá của các doanh nghiệp tại phường Nhơn Hòa là có thực. Tuy nhiên, do khi đi kiểm tra các ngành chức năng đều phải thông báo trước, nên các doanh nghiệp đã tìm cách giảm công suất hoạt động để kết quả đo đạc, đánh giá mức độ gây ô nhiễm không vượt quá chỉ số cho phép.
Thiết nghĩ, ngành chức năng cần có những biện pháp hữu hiệu hơn để đánh giá mức độ gây ô nhiễm của các doanh nghiệp một cách chính xác.
Theo Quyết định 51/2008/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 30.12.2008 về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật an toàn quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp: Khi nổ ở sườn núi, đồi thì bán kính vùng nguy hiểm theo hướng văng xuống phía dưới không được nhỏ hơn 300 m.
PHÚC LỘC