Hơn 500 đồng bào ngã xuống trong vụ thảm sát Sơn Mỹ: 55 năm nén nỗi đau thương
55 năm qua, ngày 17.2 âm lịch hàng năm trở thành ngày giỗ chung của dân làng Sơn Mỹ. Hàng trăm gia đình mất đi nhiều người thân yêu nén nỗi đau cùng hương khói tưởng nhớ ông bà, mẹ, vợ, con cái, anh, em ruột thịt.
Ngày 16.3.1968, nhằm ngày 17.2 năm Mậu Thân, tại thôn Mỹ Lai, thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi), các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt người dân vô tội, cướp đi sinh mạng của 504 thường dân Sơn Mỹ, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em.
Hàng loạt phụ nữ, người già và trẻ em bị sát hại tại tháp canh, thôn Tư Cung
Năm nay đã gần 90 tuổi, ông Phạm Công (ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi) vẫn không thể quên nỗi đau ngày ấy. Chỉ trong một buổi sáng, 4 người thân của ông gồm cha, vợ và hai con bị giặc Mỹ sát hại dã man.
“Tôi luôn luôn nhớ, gánh chịu những đau thương đó trong chiến tranh do giặc Mỹ để lại. Luôn cầu mong sao không còn xảy ra những cuộc thảm sát như thế này nữa để nhân dân, gia đình không bị đau thương, chết chóc", ông Phạm Công nhớ lại.
“Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam kể từ khi đóng quân ở Chu Lai và tôi cũng đã từng đến Quảng Ngãi. Tôi từng là một lính bộ binh và đã đến nơi này một năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ. Tôi đã không hề nghe kể gì về vụ thảm sát mãi cho đến nhiều năm sau đó. Là một cựu chiến binh Mỹ tôi rất buồn khi nhìn thấy những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị thảm sát một cách vô nghĩa và không cần thiết như vậy…”.
Đây là những dòng cảm tưởng của Roxi Owds, một cựu binh Mỹ ghi lại trong cuốn sổ lưu niệm đặt tại Nhà trưng bày Di tích Quốc gia Khu chứng tích Sơn Mỹ vào ngày 18/5/2007 khi ông trở lại thăm nơi này. Rất nhiều những dòng cảm xúc đau xót của du khách thập phương khi nhìn lại những hình ảnh khốc liệt trong chiến tranh. Nỗi đau Mỹ Lai, Sơn Mỹ vẫn còn day dứt…
Bà Phan Thị Vân Kiều, Giám đốc Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ cho biết, 5 người thân trong gia đình bà là nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Theo bà, thông qua việc thuyết minh cho du khách về cuộc thảm sát dựa trên những bức hình, những bằng chứng, đội ngũ thuyết minh muốn gửi thông điệp đến du khách trong và ngoài nước: Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng như nhân dân Sơn Mỹ nói riêng đã trải qua sự đau thương trong chiến tranh nên khát vọng hòa bình, mong muốn tương lai tươi đẹp, không còn chiến tranh như trong quá khứ.
Ông Trần Tểu từ huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khi tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ càng thấm thía hơn nỗi đau chiến tranh.
“Lần đầu tiên đến Quảng Ngãi, tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ, nhìn thấy những hình ảnh quân Mỹ xâm lược nước ta quá tàn ác. Qua đây, tôi mong muốn một thế giới không chiến tranh, hòa bình, hạnh phúc trong tương lai", ông Trần Tểu chia sẻ.
Hàng năm, đến ngày 16.3, tại Khu chứng tích Sơn Mỹ, diễn ra lễ tưởng niệm 504 thường dân vô tội bị sát hại. Những nén nhang tưởng nhớ những người đã khuất trong chiến tranh, gác lại nỗi đau, họ cùng cầu nguyện cho một thế giới hòa bình, không còn chiến tranh.
Gác lại nỗi đau, người dân Sơn Mỹ cầu nguyện cho một thế giới hòa bình.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục vừa tạo dựng những nét đẹp của toàn vùng xung quanh Sơn Mỹ, thấy được bức tranh hồi sinh của nhân dân nơi đây. Đồng thời, gìn giữ những giá trị lịch sử đặc biệt hiện có của Sơn Mỹ và phục dựng, tạo ra những hiệu ứng mới, ứng dụng công nghệ để Khu chứng tích Sơn Mỹ sinh động hơn. Qua đó, nói lên được nhiều ý nghĩa hơn về phản đối chiến tranh, phòng chống chiến tranh, xây dựng hòa bình của nhân loại trên toàn thế giới.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, Sơn Mỹ đang hồi sinh từng ngày, hướng tới tương lai, chung tay xây dựng một thế giới hòa bình./.
(Theo VOV)