Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt làm việc với lãnh đạo tỉnh:
Bình Định có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng công nghệ vào sản xuất hiệu quả
(BĐ) - Chiều 16.3, Đoàn công tác của Bộ KH&CN do đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh về công tác định hướng, chỉ đạo phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, phục vụ thiết thực, hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.
Cùng dự có các đồng chí: Lê Xuân Định và Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH&CN.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và DN.
Đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Đoàn công tác Bộ KH&CN về kết quả hoạt động KH&CN phục vụ phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2021 - 2023. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tại buổi làm việc, đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo kết quả hoạt động KH&CN phục vụ phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2021 - 2023. Theo đó, giai đoạn này, công tác quản lý các hoạt động nghiên cứu KH&CN; hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ ưu tiên của tỉnh; hoạt động xây dựng, phát triển thị trường KH&CN; công tác đổi mới cơ chế về tổ chức, quản lý hoạt động KH&CN, đầu tư tiềm lực KH&CN và công tác đẩy mạnh hợp tác trong nước, quốc tế về KH&CN được triển khai và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2023, UBND tỉnh bố trí hơn 162 tỷ đồng cho sự nghiệp KH&CN; phê duyệt danh mục 18 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển thực hiện trong năm 2021, 18 nhiệm vụ thực hiện vào năm 2022 trên nhiều lĩnh vực (Nông nghiệp, GTVT, Thương mại điện tử, Công nghệ thông tin…). Tiếp tục triển khai thực hiện đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, làm đòn bẩy đưa phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với giải pháp trọng tâm là chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chú trọng công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, số liệu cụ thể các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của các địa phương (năm 2021: 11 sản phẩm, năm 2022: 7 sản phẩm). Đổi mới và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh đội ngũ trí thức, cán bộ KH&CN, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao... Đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 14/2020/NQ-HĐND ngày 17.7.2020 của HĐND tỉnh. Hợp tác toàn diện với các trường đại học, như: ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), các viện nghiên cứu đóng trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế. Hỗ trợ Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức 14 hội nghị khoa học, 7 lớp chuyên đề trong nước và quốc tế, đón tiếp 1.700 nhà khoa học trong nước, quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự...
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ kết quả bước đầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (người đứng) trao đổi với Đoàn công tác Bộ KH&CN tình hình thực hiện và phát triển hoạt động KH&CN tại tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tại buổi làm việc, tỉnh cũng kiến nghị một số nội dung, như: Đề nghị Bộ KH&CN quan tâm, giới thiệu các DN công nghệ cao, đặc biệt là các DN sản xuất chip về đầu tư tại tỉnh. Hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Bình Định đối với 3 sản phẩm, gồm: Yến sào Bình Định, Ớt Bình Định và Bưởi Bình Định có tiềm năng xuất khẩu lớn. Hỗ trợ hình thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; hỗ trợ hình thành không gian đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, là nơi giao dịch kết nối giữa cung - cầu công nghệ cho tỉnh, khu vực Nam Trung bộ - Tây nguyên. Hỗ trợ đầu tư tiềm lực KH&CN cho Trung tâm Phân tích và Đo lường chất lượng (thuộc Sở KH&CN) để phục vụ kiểm định, hiệu chuẩn và kiểm tra đo lường các thiết bị y tế, vệ sinh an toàn lao động, phân tích, thử nghiệm các sản phẩm xăng, dầu nhằm phục vụ yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Quy Nhơn. Ưu tiên xác định, phê duyệt, phân bổ nguồn kinh phí trung ương để tổ chức triển khai tại tỉnh các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, như: Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực vật lý thiên văn; ứng dụng chuyển đổi số xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ tỉnh; nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý giám sát tàu cá và sản lượng khai thác hải sản của tỉnh phù hợp quy định về chống đánh bắt hải sản IUU của Ủy ban châu Âu (EC)...
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, DN của tỉnh và thành viên Đoàn công tác cũng tập trung vào một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất liên quan đến kinh phí cho hoạt động KH&CN, việc chuyển giao từ ứng dụng KH&CN vào thực tiễn; việc triển khai một số đề án, đề tài KH&CN tại tỉnh; công tác tư vấn, hướng dẫn sở hữu trí tuệ, xác định quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của địa phương nhất là các sản phẩm OCOP của tỉnh…
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng kiến nghị Bộ KH&CN quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết hoạt động phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh đã đổi mới tích cực gắn với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các vấn đề cấp bách của tỉnh, như: Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân…, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, trong đó có một số đề tài sau khi được nghiệm thu, khâu nhân rộng, ứng dụng trong sản xuất, đời sống còn khiêm tốn. Hầu hết, các DN trong tỉnh quy mô vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ còn lạc hậu, những cơ sở công nghiệp và dịch vụ lớn tạo đòn bẩy để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế còn ít.
Để hỗ trợ tỉnh tháo gỡ các vấn đề lớn đang đặt ra, đồng thời cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển KH&CN tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Bộ KH&CN ưu tiên xác định, phê duyệt, phân bổ nguồn kinh phí trung ương để tổ chức triển khai tại tỉnh các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; quan tâm hỗ trợ hình thành, phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Quy Nhơn...
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, những kết quả đạt được trong lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Để thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, đồng chí Bộ trưởng Bộ KH&CN đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, chủ động đầu ra cho sản phẩm. Tập trung vào việc xác lập và khai thác tài sản trí tuệ, nhất là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cho thị trường quốc tế… Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT tiên tiến cho các ngành, lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch; phát triển giao thông, đô thị thông minh, công nghệ vật liệu mới thân thiện với môi trường. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư của DN và khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KH&CN; thúc đẩy phát triển DN KH&CN có quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, từng bước lấy DN làm trung tâm của đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thời gian qua đối với phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn đã được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động cụ thể (chương trình hành động số 10 ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; quyết định số 1389 phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; chương trình hỗ trợ phát triển DN và đổi mới công nghệ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025…
“So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Bình Định là địa phương có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng công nghệ vào sản xuất một cách hiệu quả, phát huy kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án cấp quốc gia. Nhờ chú trọng hoạt động KH&CN, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống, đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả một số cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, tiềm lực KH&CN và đổi mới sáng tạo của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, đáng ghi nhận. Bình Định có ICISE, đây là nơi giao lưu, trao đổi học thuật chuyên sâu giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới; là nơi cung cấp dịch vụ KH&CN, điểm đến quen thuộc của nhiều nhà khoa học uy tín; và, cả Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo. Ở đây có Trường ĐH Quy Nhơn, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ và Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định là các đơn vị đào tạo, nghiên cứu cứu khoa học và phát triển công nghệ chuyên sâu cho nhiều lĩnh vực... Đây là những hạ tầng kỹ thuật, tiềm lực KH&CN quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của Bình Định thời gian vừa qua và trong tương lai.
Với tiềm lực được xây dựng và không ngừng củng cố, Bộ KH&CN tin tưởng hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của Bình Định sẽ không ngừng phát triển, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển KT-XH của địa phương. Bộ KH&CN sẵn lòng phối hợp với tỉnh để triển khai các nhiệm vụ KH&CN và đổi mới sáng tạo, không chỉ ở cấp tỉnh, mà ở cả cấp quốc gia để phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh và đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc lãnh đạo chỉ đạo hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Tổng kết đánh giá những kinh nghiệm, cách làm hay để triển khai với các địa phương khác. Đề xuất và triển khai những nhiệm vụ KH&CN nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, như: Kinh tế biển, văn hóa du lịch, giáo dục và đào tạo… Bộ KH&CN giao Cục Sở hữu trí tuệ là đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Bình Định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển tài sản trí tuệ, trong đó có hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Bình Định đối với 3 sản phẩm: Yến sào Bình Định, Ớt Bình Định và Bưởi Bình Định. Giao Vụ Địa phương chủ trì, phối hợp với Vụ và các đơn vị liên quan nghiên cứu, quan tâm hỗ trợ Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo phát triển thành cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ nhằm thực hiện chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030. Hỗ trợ hình thành, phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Quy Nhơn...
Lãnh đạo tỉnh Bình Định tặng tranh lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: TRỌNG LỢI
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tặng hoa, gửi lời cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và lãnh đạo tỉnh đã phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức buổi làm việc hiệu quả. Ảnh: TRỌNG LỢI
Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng giao cho các đơn vị liên quan của Bộ tham mưu, phối hợp triển khai trong thời gian tới.
TRỌNG LỢI