Vay tiền qua app - tiền mất nợ mang
Không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay… là những lời quảng cáo hấp dẫn của nhiều ứng dụng vay tiền. Cái “bẫy ngọt ngào” này khiến nhiều người phải chịu lãi suất “cắt cổ”, bị đòi nợ theo kiểu khủng bố; không ít người trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo.
App cho vay bủa vây
Là nhân viên văn phòng, nhiều tháng nay công ty ít việc, thu nhập giảm sút, chị Tr. (ở TP Quy Nhơn) nhập quần áo may sẵn về bán để trang trải cuộc sống, lo sữa, tã, học phí cho con. Hàng bị tồn, thiếu vốn quay vòng, thấy quảng cáo cho vay tiền nhanh, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, chị Tr. liên hệ. Để có thể vay được tiền trên app này, chị Tr. phải đồng ý cho app truy cập danh bạ điện thoại, thông tin tài khoản mạng xã hội… của cá nhân.
“Tôi vay 15 triệu đồng trong 1 tuần, tới ngày tôi không xoay trả đủ nên vay tiếp app khác 20 triệu đồng nữa. Cứ thế, khi số nợ vay dồn từ các app lên gần 200 triệu đồng, tôi bắt đầu bị các cuộc điện thoại hối thúc trả nợ mỗi ngày. Họ gọi điện cho người quen và còn dọa đăng ảnh tôi và gia đình khắp nơi… Hoảng sợ nên tôi đành nói thật với gia đình để cùng tìm cách tháo gỡ”, chị Tr. kể.
Với từ khóa “vay tiền online” trên thanh công cụ tìm kiếm Google, kết quả cho ra rất nhiều lời mời chào vay tiền với những điều khoản hết sức đơn giản, hấp dẫn (ảnh minh họa). Ảnh: K.A
Trường hợp của chị H. (ở TX An Nhơn) lại khác. Cuối năm 2022, chị H. nhận được cuộc gọi mời vay tiền, đang có nhu cầu nên chị H. thỏa thuận vay 80 triệu đồng, trả góp mỗi tháng 3,5 triệu đồng. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn, chưa nhận được tiền nên chị H. điện thoại hỏi; đối tượng thông báo do điền sai thông tin nên chị H. cần đóng khoản phí 16 triệu đồng mới được giải ngân.
Khi đó, tài khoản của chị H. chỉ có 14 triệu đồng, người đó nói sẽ cho chị vay thêm 2 triệu cho đủ để đóng; chị tưởng thật nên chuyển tiền. Một người khác nữa gọi đến xưng nhân viên bảo hiểm của công ty, yêu cầu chị phải đóng tiền bảo hiểm khoản vay là 9,6 triệu đồng. Cứ thế trong khoảng 1 tuần, họ đưa ra rất nhiều lý do hối thúc chị chuyển tiền.
Theo chị H., lỡ “đâm lao phải theo lao”, với hy vọng nhận lại phần nào trong số tiền đã chuyển trước đó, nên chị cố gắng vay mượn của nhiều người thân quen, tiếp tục chuyển thêm tiền. Cuối cùng, chị đã mất đến hơn 1,7 tỷ đồng.
Ngày 10.3 vừa qua, chị N. (ở TP Quy Nhơn) cũng đã trình báo với cơ quan CA về việc bị lừa mất 320 triệu đồng, với thủ đoạn tương tự như chị H.
Cần thận trọng
Các app vay tiền trực tuyến thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp. Người vay không cần tài sản đảm bảo, thủ tục vay thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, theo thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh), quá trình xác minh cho thấy, trước khi chuyển tiền vào tài khoản của người vay, các đối tượng sử dụng app đã thu thập thông tin về người vay lẫn người thân, bạn bè để chuẩn bị cho việc đòi nợ.
Vì thế, nếu người vay không trả thì các đối tượng sẽ thực hiện nhiều cách như gọi điện thoại đe dọa, bôi xấu hình ảnh… để ép người vay trả tiền. Trong trường hợp lừa đảo, các đối tượng đều sử dụng sim rác, sử dụng tên và địa chỉ “ma”; khi lừa được tiền của nạn nhân, chúng sẽ bỏ sim điện thoại, nạn nhân hoàn toàn không biết người cho vay là ai.
Trong trường hợp muốn sử dụng loại hình vay tiền trực tuyến, người dân cần tìm hiểu kỹ, nhận diện được ứng dụng vay vốn chính thống do các ngân hàng được Nhà nước công nhận cho vay. Trước khi tiến hành nhập thông tin và đăng ký vay, cần thận trọng tìm hiểu thông tin qua các kênh khác nhau, xác thực bằng cách gọi số điện thoại đường dây nóng (hotline) trên ứng dụng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho vay uy tín sẽ thể hiện đầy đủ các thông tin như: Tên công ty, mã số DN, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả...), mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch...
“Đặc biệt, khi thực hiện giao dịch, người vay không được để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân của mình. Đối với các tổ chức, cá nhân yêu cầu người vay chuyển tiền ngược lại với nhiều lý do, người vay cần tỉnh táo không làm theo và trình báo ngay với cơ quan chức năng, tránh hậu quả đáng tiếc”, thượng tá Phụng khuyến cáo.
KIỀU ANH