Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Từng bước mang lại hiệu quả
Từ việc nâng cao ý thức đổ rác thải đúng nơi quy định, việc thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trước khi thu gom, xử lý được triển khai tại nhiều địa phương đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông mới nâng cao.
Năm 2022, được hỗ trợ về mặt chuyên môn của ngành TN&MT, các địa phương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao như Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Phước Quang (Tuy Phước), Bình Tường (Tây Sơn)… đã xây dựng thành công mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Mô hình này từng bước mang lại hiệu quả tích cực, nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương, người dân được nâng cao, môi trường nông thôn sạch đẹp, văn minh hơn.
Xã Phước Quang đã triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho 2.439 hộ tại 11/11 thôn, đạt trên 67% số hộ. Bà Lý Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang, cho biết: “Cùng với phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xã hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh (TP Quy Nhơn) thu gom rác thải nguy hại định kỳ, còn rác thải sinh hoạt thì thu gom tần suất 3 lần/tuần”.
Theo hướng dẫn của cán bộ xã về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, anh Nguyễn Văn Khoa, ở thôn Luật Bình, xã Phước Quang, đã xây dựng bể chứa ủ rác thải hữu cơ làm phân bón để trồng rau. Anh Khoa chia sẻ: “Nhận thức được việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên bà con ở đây hưởng ứng tham gia tích cực. Bà con hàng xóm sau khi phân loại các loại thức ăn thừa, lá cây, rau… mang đến cho tôi ủ làm phân bón!”.
Anh Nguyễn Văn Khoa, ở thôn Luật Bình, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) xây dựng bể chứa ủ rác thải hữu cơ làm phân bón để trồng rau. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tại xã Bình Tường, ngoài việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho 1.500 hộ ở 3/3 thôn Hòa Trung, Hòa Sơn, Hòa Hiệp (đạt 55,2% số hộ), xã còn triển khai cho 137 hộ dân ở 2 thôn Hòa Trung, Hòa Sơn thực hiện mô hình thu gom rác thải hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý thành phân bón, mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Thu, ở thôn Hòa Trung, xã Bình Tường, chia sẻ: “Tham gia mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, tôi nhận thấy lợi ích mang lại rất lớn. Tổ chúng tôi gồm 7 người, mỗi ngày luân phiên đến từng hộ dân thu gom các loại rác thải hữu cơ do bà con đã phân loại, mang về nhà cho vào bể chứa, ủ rác với chế phẩm sinh học để làm phân bón cho rau. Việc này vừa góp phần bảo vệ môi trường, lại tiết kiệm chi phí sản xuất”.
Tương tự, xã Nhơn Hải hiện đã triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho 100% hộ dân (1.317 hộ) trong xã. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Xã tôi không trồng trọt, chăn nuôi gì nhiều nên rác thải hữu cơ và rác vô cơ cùng được xe chuyên dụng của Công ty CP Môi trường Bình Định đến thu gom hằng ngày. Riêng rác thải nguy hại sau khi được phân loại sẽ gom lại một chỗ, Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh sẽ thu gom đưa đi xử lý định kỳ hằng tháng. So với trước đây, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân trong xã đã chuyển biến hơn, cùng chung tay với chính quyền trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường, góp sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần phát triển kinh tế du lịch”.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trước đây thì không bắt buộc xã nông thôn mới thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xã nông thôn mới nâng cao phải có 10% hộ dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Nhưng Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 thì bắt buộc xã nông thôn mới phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đảm bảo tỷ lệ 30% hộ dân trở lên, xã nông thôn mới nâng cao có tỷ lệ hộ dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn 50% trở lên.
Dù vậy, theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xử lý sau phân loại sẽ bắt buộc triển khai cả tỉnh. Trước mắt, qua kiểm tra các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn bước đầu cho thấy, việc thực hiện mô hình đã nâng cao trách nhiệm của người dân. Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 để hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh, đáp ứng lộ trình đến ngày 1.1.2025, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bắt buộc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo luật định.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN