Trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh
Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động giúp học sinh trang bị kỹ năng thực hành xã hội cần thiết, làm hành trang cho cuộc sống tương lai.
Chơi mà học
Tại Ngày hội Học sinh (HS) 3 tốt năm 2023 được Tỉnh đoàn tổ chức cuối tuần qua tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn), một trong những chương trình được các HS quan tâm và tham gia nhiều nhất là Gala tuổi 18, trang bị các kỹ năng thực hành xã hội cần thiết.
Tại đây, các HS đã được truyền đạt các chuyên đề về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, tư duy phản biện, đàm phán và từ chối. Với mỗi kỹ năng, Ban tổ chức đã dành nhiều thời gian xây dựng các tiểu phẩm, HS có cơ hội được tham gia trải nghiệm, tự đưa ra suy luận và cách giải quyết vấn đề của mình.
Em Nguyễn Cẩm Ly (lớp 11A2, Trường THPT FPT Quy Nhơn) cho hay, trong các chuyên đề, em ấn tượng với nội dung quản lý tài chính cá nhân và hiểu sâu về nguyên tắc chi tiêu theo công thức: 50% chi tiêu bắt buộc, 30% chi phí linh hoạt, 20% tiền tích lũy. “Em đang học nội trú, hằng tuần được cha mẹ cho một khoản tiền để tự chi tiêu. Thông qua kỹ năng này giúp em tự biết quản lý, tiết kiệm tiền, lập mục tiêu cho các kế hoạch và hạn chế các khoản mượn không cần thiết từ bạn bè”, Ly chia sẻ.
Anh Đinh Chí Công, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi - Trường học (Tỉnh đoàn) cho rằng, lâu nay chúng ta thường chú trọng dạy văn hóa, chưa coi trọng việc trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho HS. “Tại chương trình, với mỗi kỹ năng, chúng tôi áp dụng các phương pháp trình bày trực quan sinh động để thu hút sự chú ý, quan tâm của HS; vừa giúp các em dễ hiểu, tiếp thu nhanh kiến thức, vừa tạo sân chơi để các em áp dụng kỹ năng vào thực tiễn, đưa ra cách giải quyết nhanh, hiệu quả nhất đối với từng vấn đề”, anh Công nói.
Thời gian qua, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực cho thanh thiếu nhi, như: Diễn đàn truyền thông về phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, xâm hại tình dục và bạo lực học đường; tư vấn tâm lý vượt qua chính mình; kỹ năng sử dụng mạng an toàn…
Chương trình Gala tuổi 18 tại Ngày hội Học sinh 3 tốt năm 2023. Ảnh: D.Đ
Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Trần Ngọc Quỳnh cho biết: “Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tổ chức gần 60 lớp kỹ năng dành cho thanh thiếu nhi tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động vừa học, vừa chơi, trang bị cho các em nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết để biết cách xử lý một số tình huống rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân và người xung quanh”.
Hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện
Giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho HS tại các trường học là việc làm cần thiết, giúp HS tự tin bước vào cuộc sống tương lai. Vì vậy, việc tăng cường rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.
Tại Trường THPT Quốc học Quy Nhơn, bên cạnh việc dạy văn hóa, tích hợp kỹ năng thực hành xã hội trong một số môn học và triển khai các hoạt động ngoài giờ, nhà trường còn tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho HS tham gia thông qua các CLB kỹ năng, như: Phản biện, tranh biện và hùng biện; nghệ thuật; tiếng Anh… Các CLB có số lượng thành viên từ 60 - 100 HS tham gia; tổ chức các hoạt động hằng tuần, hằng tháng.
Những năm qua, Đoàn Trường THPT chuyên Chu Văn An (TX Hoài Nhơn) đã chủ động xây dựng các hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội lồng ghép qua những chủ đề: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phiên tòa giả định; diễn đàn tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên và chủ quyền biển đảo Tổ quốc; thanh niên với tình bạn, tình yêu và gia đình…
Em Trần Bảo Hân (lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An) cho hay: “Tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp em tự tin, có ý thức trong giao tiếp, ứng xử, tự lập và trưởng thành hơn. Em mong muốn nhà trường tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, thiết thực cho chúng em tham gia”.
Theo Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Chu Văn An Trần Quang Quyền, giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho HS là một trong những hoạt động thường xuyên của nhà trường. Điều quan trọng nhất sau mỗi hoạt động là các em đã tự trang bị cho mình được nhiều kiến thức bổ ích, những kỹ năng cơ bản để chủ động trong xử lý tình huống, đối phó với những cám dỗ có thể xảy ra ngoài xã hội.
DUY ĐĂNG