Các đội bóng đá trẻ: Bao giờ mới có sân tập?
Việc các đội bóng đá trẻ Bình Định thiếu sân tập đã tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng đến nay cơ quan chủ quản vẫn chưa có hướng giải quyết. Điều này khiến việc đầu tư cho các đội bóng đá trẻ chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ”.
Ở thời điểm hiện tại, đội bóng đá U19 Bình Định đang chuẩn bị tham gia vòng loại Giải vô địch bóng đá U19 quốc gia năm 2023. Vòng loại sẽ diễn ra từ ngày 26.3 đến ngày 17.4, với 28 đội bóng, chia thành 5 bảng, dự kiến thi đấu tại các địa điểm: Trung tâm thể thao Viettel (bảng A), Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF (bảng B), Gia Lai (bảng C), Bình Phước (bảng D) và Tiền Giang (bảng E). Theo thể thức, các đội thi đấu vòng tròn 2 lượt (đi - về) tại địa phương đăng cai, tính điểm xếp hạng ở mỗi bảng. 5 đội xếp thứ nhất, 5 đội xếp thứ nhì và 1 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất ở 5 bảng vào vòng chung kết. Nếu đội chủ nhà vòng chung kết kết thúc thi đấu tại vòng loại với vị trí trong nhóm 11 đội có thành tích tốt nhất ở 5 bảng, thì đội xếp thứ ba có thành tích tốt tiếp theo sẽ giành quyền tham dự vòng chung kết.
Theo kết quả bốc thăm, chia bảng, đội bóng trẻ đất Võ nằm ở bảng C cùng các đội: Khánh Hòa, Kon Tum, Phú Yên, Lâm Đồng, Hoàng Anh Gia Lai. Xét về truyền thống, chỉ duy nhất đội chủ nhà bảng C có thành tích tốt ở các giải trẻ, kể từ khi Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal ra đời. Các đối thủ còn lại trong bảng không quá nổi bật, số lần lọt vào vòng chung kết khá hiếm hoi. Tuy nhiên, ở vòng loại năm nay, với sự chuẩn bị chưa tốt, thầy trò HLV Phan Tôn Quyền không dễ giành được 1 trong 2 tấm vé đi tiếp.
Đến SVĐ Quy Nhơn vào một chiều muộn giữa tháng 3, tôi chứng kiến buổi tập của đội bóng đá U19 Bình Định. Đó là một nhóm chưa đến 10 cầu thủ chạy quanh đường piste và… chỉ có vậy. HLV Phan Tôn Quyền chia sẻ: “Buổi sáng hầu hết các em đều đi học văn hóa, buổi chiều cũng có một số em đi học. Vậy nên tôi chỉ có thể cho các em tập lúc chiều muộn, từ 17 giờ 30 phút trở đi. Không có sân tập, thỉnh thoảng chúng tôi phải thuê sân trong khuôn viên Tỉnh đoàn để các em làm quen cảm giác bóng, dù sân này không đủ tiêu chuẩn về kích thước. Theo kế hoạch, chúng tôi có 2 trận giao hữu trước khi bước vào thi đấu vòng loại. Cơ hội cọ xát không nhiều nên tôi không mượn bất kỳ cầu thủ nào của địa phương khác, dành suất cho học trò mình thi đấu để trưởng thành”.
Các cầu thủ đội bóng đá U19 Bình Định chủ yếu tập luyện trên mặt sân xi măng và đường piste SVĐ Quy Nhơn.
Được biết, cách đây vài tháng, CLB Topenland Bình Định đã nhận 4 cầu thủ lứa U19 lên tập cùng các đàn anh. Theo đánh giá của các HLV, các em đều có sự tiến bộ trong chuyên môn, thể hình phát triển tốt. Do đó, ở thời điểm hiện tại một số em vẫn nằm trong kế hoạch sử dụng của HLV Đức Thắng ở V-League và Cúp Quốc gia, chỉ 1 em được trở về đội U19 tham gia vòng loại.
Với cách “tập chay” trên mặt sân xi măng, đường piste, không khó để lý giải vì sao nhiều năm qua các đội bóng đá trẻ Bình Định luôn “lặng lẽ” ở sân chơi quốc gia. Số cầu thủ đủ khả năng thi đấu ở những giải bóng đá chuyên nghiệp ngày càng hiếm. Chẳng nói đâu xa, ở vòng loại Giải vô địch bóng đá U17 quốc gia năm 2023 vừa kết thúc cách đây vài tuần, đội U17 Bình Định thi đấu tổng cộng 8 trận, chỉ hòa được 1 trận, thua 7 trận, ghi vỏn vẹn 2 bàn thắng, để thủng lưới 20 bàn, xếp chót bảng C.
Đã không ít lần Sở VH&TT cũng như Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh nêu vấn đề này để các cấp, ngành xem xét, nhưng đến nay tình trạng thiếu sân tập cho các đội bóng đá trẻ vẫn chưa được giải quyết. Làm bóng đá luôn phải xây dựng nền móng vững chắc mới phát triển bền vững, nhưng nhìn vào các đội trẻ hiện nay, rất khó để kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng cho bóng đá Bình Định.
HOÀNG QUÂN