Quy Nhơn một góc trong tôi
Tản văn của PHAN HUY THÙY
Không có nhiều điều kiện để đi đây đi đó, nên những vùng đất mới thường để lại trong tôi niềm thích thú, mến yêu. Quê tôi ở tỉnh Phú Yên, Quy Nhơn là thành phố rất gần, dễ đến thăm đến mức đó không phải là ao ước. Nhưng chính nơi đây lại gieo vào trong tôi nhiều ấn tượng đẹp về con người, cảnh vật và những trầm tích văn
***
Năm 1995, lần đầu tôi ra Quy Nhơn để dự thi đại học. Cậu Mười chở tôi đi bằng chiếc xe Cup 50 cũ xì. Từ quê nhà đến Quy Nhơn không quá xa nhưng ngày đó là hành trình thật dài của hai cậu cháu. Xe yếu lại phải lên đèo Cù Mông nên rất vất vả, có lúc tôi phải nhảy xuống để cậu rồ hết ga mới lên được. Tuy nhiên, cậu cháu đều mừng vui lắm, bởi cháu được đi thi, còn cậu thì sau 21 năm mới có dịp trở lại trường xưa mình từng học sư phạm, từ 1972 - 1974.
Cậu Mười giới thiệu cho tôi biết về trường Quy Nhơn ngày trước, các khu giảng đường, khu ký túc xá OA - OB mà thời sinh viên cậu gắn bó, với tâm trạng bồi hồi, xúc động. Riêng dãy nhà 4 tầng là khá mới, sau khi làm thủ tục đăng ký, tôi được ở đây trong mấy ngày dự thi. Cậu tôi bồi hồi: “So với trước, Quy Nhơn đang phát triển nhanh quá nhưng hồn cốt vẫn vậy”. Tôi nghe chứ không hiểu hết, chỉ biết rằng ở thành phố biển này vẫn sầm uất, nhộn nhịp hơn hẳn quê tôi lúc ấy.
Tôi chưa đi khắp thành phố nên chỉ cảm nhận Quy Nhơn từ điểm nhìn dọc bờ biển, phía trước Trường Đại học sư phạm. Ngày đó, phố Quy Nhơn còn thưa, người Quy Nhơn còn ít, với những quán cơm lụp xụp, chủ yếu phục vụ cho sinh viên là nhộn nhịp nhất. Cơm bình dân giá rẻ mà thức ăn nhiều tôm cá, cùng là dân xứ Nẫu nên tôi thấy gần gũi thân thương từ tiếng cười, giọng nói, cho đến cách gọi “cái xỉ”, “tộ canh”, “thâu thâu cha nậu”. Những quán cơm ven biển với mái tôn lợp thấp, có mấy tàu dừa che tạm bên trên, được cái là gió nồm lồng lộng thổi, nên không hề cảm thấy ngột ngạt nóng bức.
Quy Nhơn khi ấy, dọc con đường bờ biển phía trước Trường Đại học sư phạm, chỉ có khách sạn Hải Âu là bề thế, phần còn lại chủ yếu là những ngôi nhà nhỏ đơn sơ ven bãi cát dài trống trải. Chiều tối, chúng tôi rủ nhau ra biển hóng mát. Biển trong vắt biếc xanh, bờ cát mịn màng bằng phẳng, tiếng sóng vỗ rì rào, từng cánh chim hải âu chập chờn bay lượn, xa xa thấp thoáng bóng thuyền giăng câu thả lưới như đang kéo ánh trăng lên. Ánh trăng thuở ấy chưa cộng hưởng với ánh điện đèn nên lung linh tỏa sáng, rải muôn ngàn ánh vàng, ánh bạc xuống mặt biển. Gió mang vị mặn mòi của khơi xa cứ thổi vào miên man, mát rượi. Tôi mơ màng về những đêm trăng huyền diệu năm nào, người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh dạo bước nơi đây, rồi khẽ ngân nga những giai điệu đầu tiên của “Biển nhớ”.
Tôi và những người bạn đến khu vực Ghềnh Ráng thăm nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử, viếng phần mộ thi nhân tài hoa mà bạc mệnh, được chụp vài tấm ảnh và mua mấy món đồ lưu niệm có in thơ Hàn thi sĩ. Năm 1995, khu vực này còn khá vắng, mộ của thi nhân cũng đơn sơ, khách du lịch chắc cũng chưa nhiều người biết đến. Từ điểm đồi lộng gió, hướng nhìn ra biển khơi xa, tôi nghe quanh quẩn đâu đây những câu thơ da diết: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”; “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?”.
Hàn Mặc Tử là thành viên nhóm “Bàn thành tứ hữu” cùng với Quách Tấn, Yến Lan và Chế Lan Viên; được Hoài Thanh và Hoài Chân trân trọng giới thiệu trong “Thi nhân Việt Nam”. Bốn người bạn thơ thành Đồ Bàn đã để lại dấu ấn vô cùng đậm nét, sáng lấp lánh trong dòng chảy của thi ca Việt. Trước và sau họ, Quy Nhơn luôn là vùng đất sản sinh hoặc lưu dấu ấn của biết bao tao nhân mặc khách. Chẳng thế mà Quy Nhơn được mệnh danh là thành phố của thi ca!
Tôi - một người dân xứ Nẫu Phú Yên đã nghĩ “Quy Nhơn là thành phố rất gần, dễ đến thăm đến mức đó không phải là ao ước”. Thế mà mãi mới đây, tôi có dịp trở lại Quy Nhơn sau gần 30 năm đằng đẵng xa cách. Tuyến đường 33,15 km nối kết Quy Nhơn - Sông Cầu được khánh thành năm 2001 đã mở ra một vùng kinh tế mới năng động, thông thương, tươi sáng. Cung đường vừa giúp tránh đèo Cù Mông nguy hiểm, vừa phá vỡ thế độc đạo ra vào thành phố Quy Nhơn, vừa mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho những vùng đất giáp ranh 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên. Nhân dân quanh vùng được hưởng lợi rất lớn từ con đường du lịch nhộn nhịp bậc nhất này. Bon bon trên con đường nhựa phẳng lỳ, ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình, tôi thấy quê mình với Quy Nhơn thật gần, thật đẹp!
Chạy xe dọc biển Quy Nhơn, tôi ngạc nhiên và choáng ngợp trước sự phát triển của thành phố này. Diện mạo của đô thị biển hàng đầu khu vực Duyên hải miền Trung đang định vị và vươn tầm, trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước, đô thị thông minh, thành phố đáng sống. Đây là mục tiêu, là khát vọng của các cấp lãnh đạo và nhân dân thành phố. Thiên nhiên ưu đãi, hiền nhân quy tụ, Quy Nhơn chắc chắn sẽ vươn tầm mạnh mẽ!
Trước khi tạm biệt Quy Nhơn để trở lại quê nhà, tôi đến công viên mướt xanh hướng ra biển, nhâm nhi ly cà phê đen đậm, hứng ngọn gió nồm mát rượi, nghe tiếng sóng rì rầm hòa tiếng nhạc du dương: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về!”… Tôi tự hứa với lòng mình lần quay lại kế tiếp sẽ không phải xa cách đằng đẵng như lần trước, Quy Nhơn đáng yêu đến thế cơ mà.