Hết lòng vì những mầm xanh
Nắm chắc tình hình cơ sở, tổ chức hội phụ nữ kịp thời can ngăn nhiều trường hợp có ý định bỏ học, thuyết phục trẻ quay lại trường lớp. Song song với đó, các cấp hội tiếp tục nhận đỡ đầu, tạo điều kiện để trẻ được đến trường.
“Lạt mềm buộc chặt”
Đa phần các trường hợp bỏ học đều là những trẻ không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ gia đình. Không có mái ấm đúng nghĩa, các em mất dần động lực học tập.
Em Lã Thị Trịnh Kiều My (SN 2008, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) là trường hợp như vậy. Bố mẹ em ly hôn, người lập gia đình mới, người đi làm ăn xa, ít thời gian gần gũi con cái. My sống tạm ở nhà họ hàng bên ngoại, và cũng chỉ có thể tá túc mỗi nhà một khoảng thời gian ngắn. Mang trong mình nỗi mặc cảm ấy, My không muốn đến trường, chỉ muốn đi làm.
Trước tình hình đó, Hội LHPN phường đã tặng sách vở, đồng phục, hỗ trợ phần nào chi phí để em không còn nghĩ đến gánh nặng học phí. Hội còn thường xuyên động viên, giúp em có nơi chia sẻ, tâm sự. Cô bé My nhờ đó tìm lại được động lực học tập, phấn đấu, không bỏ học nữa.
My chia sẻ: “Các cô trong hội phụ nữ như người thân của em, quan tâm nhiều và giúp em bớt mặc cảm, lo lắng. Các cô thường tặng quà, động viên và sẵn sàng giúp đỡ khi em nhờ cậy”.
Không chỉ những trẻ không được gia đình quan tâm, trẻ đang trong độ tuổi dậy thì, dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài cũng muốn nghỉ học giữa chừng. Dù là học sinh giỏi nhiều năm liền, nhưng Bùi Thị Thu Thảo (ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) đã nghỉ học khi đang dang dở lớp 11 vì nôn nóng muốn đi làm để tự kiếm tiền chi phí cho các nhu cầu cá nhân.
Lý giải điều này, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thắng, cho biết, ở địa phương, việc đàn ông đi biển, phụ nữ đi làm từ sớm là phổ biến. Một số đối tượng lợi dụng việc này để rủ rê trẻ nghỉ học, làm nhiều điều không tốt. Trẻ em trong độ tuổi đang lớn dễ bị ảnh hưởng, có tâm lý muốn khẳng định bản thân bằng cách nghỉ học, đi làm kiếm tiền.
“Chúng tôi xác định phải “lạt mềm buộc chặt”, nhẹ nhàng phân tích đúng sai và dẫn chứng cho trẻ thấy việc nghỉ học sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai sau này. Cùng với đó, chúng tôi phối hợp cùng gia đình động viên, tránh nói nặng lời. Kiên trì một thời gian, Thảo cũng chịu quay lại trường lớp và hoàn thành nốt chuyện học”, chị Huyền cho hay.
Hội LHPN phường Ngô Mây nhận đỡ đầu trẻ có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình Mẹ đỡ đầu. Ảnh: Hội LHPN phường Ngô Mây
Đỡ đầu, tiếp sức
Bên cạnh việc ngăn chặn tình trạng trẻ nghỉ học giữa chừng, các cấp hội còn chú trọng tạo điều kiện để trẻ học tốt, sống tốt, tránh để trẻ có suy nghĩ muốn nghỉ học vì khó khăn trong cuộc sống.
Được Hội LHPN phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) nhận đỡ đầu từ năm ngoái, em Phan Anh Thư (SN 2013) thuận lợi hơn trong việc đến trường. Bố mất sớm, mẹ em phải một mình vất vả lo toan cho 2 con ăn học, căn nhà mấy mẹ con đang sống cũng chỉ được cất tạm làm nơi che nắng che mưa. Trước khi Thư được đỡ đầu, mẹ em đã phải làm cả ngày lẫn đêm để lo cho con, nhiều lúc quá sức nên bị ốm.
“Con gái còn nhỏ, chặng đường học tập còn dài nên tôi tự dặn phải gắng sức để con không quá thua thiệt bạn bè hoặc phải nghỉ học vì nhà không đủ điều kiện. Tôi xót khi nghe con thắc mắc vì sao không được học thêm môn này, môn kia như bạn đồng trang lứa”, chị Tô Thị Cảnh, mẹ Thư, chia sẻ.
Sau khi nghe tâm sự của chị Cảnh, Hội LHPN phường đã nhận đỡ đầu Thư đến năm em 18 tuổi, hỗ trợ chi phí theo quý; ưu tiên hỗ trợ em trong các chương trình tiếp sức đến trường, tặng quà các dịp lễ, tết. Nhờ đó, Thư yên tâm đến trường, học hành, chị Cảnh cũng đỡ vất vả, áp lực hơn.
Không chỉ My, Thảo, Thư mà nhiều trường hợp trẻ được nhận sự hỗ trợ từ các cấp hội thông qua nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với nhu cầu của từng hoàn cảnh. Có thể kể đến các chương trình như: Mẹ đỡ đầu, Tiếp sức đến trường, Tham vấn tâm lý, Mẹ và con gái… Song song đó, các buổi gặp mặt, phối hợp với nhà trường, hội khuyến học để kịp thời lắng nghe, giúp đỡ trẻ cũng thường xuyên được tổ chức.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhã, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Công tác chăm lo cho trẻ em của các cấp hội bám sát thực tiễn, đáp ứng các tiêu chí: Chính xác, kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt lưu tâm đến trẻ mồ côi, thiếu sự quan tâm từ gia đình; tăng cường kết nối, hỗ trợ tối đa để trẻ có điều kiện sống, học tập và phát triển toàn diện”.
DƯƠNG LINH