Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh: Khai thác, dàn dựng kịch mục phong phú
Những năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh chú trọng khai thác và dàn dựng hiệu quả các kịch mục tuồng, dân ca bài chòi, tạo nên những vở diễn chất lượng tốt về nội dung tư tưởng và hình thức, làm phong phú thêm hoạt động bảo tồn, quảng bá nghệ thuật truyền thống của Bình Ðịnh.
Hằng năm, Nhà hát được giao nhiệm vụ dàn dựng 2 vở diễn mới, phục hồi và nâng cao 2 vở diễn. Đến nay, Nhà hát đã dàn dựng mới, phục hồi hơn 30 vở diễn với nhiều đề tài: Lịch sử, tiểu thuyết, truyền thống, hiện đại. Nội dung các vở diễn có giá trị nghệ thuật, đề cao chủ nghĩa nhân văn, phát huy các nhân tố mới, đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống, đạo đức trong một bộ phận xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Một cảnh trong vở ca kịch bài chòi Cô thần - vở diễn đoạt HCV tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nhiều vở tuồng, như: Vua thánh triều Lê, Xử án Mộc Đài Sơn, Nước Nam niềm khát vọng, Khí tiết rạng trời Nam… và dân ca bài chòi: Chuyện tình nàng Sita, Nửa đời hương phấn, Thanh gươm công lý, Cô thần, Bộ cảnh phục… được phục hồi, dàn dựng mới trong vài năm gần đây được hai đoàn nghệ thuật của Nhà hát là Đoàn tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định biểu diễn phục vụ đã tạo ấn tượng trong lòng công chúng.
NSƯT Huỳnh Thị Kim Châu, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, kiêm Trưởng Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, cho biết: Ngoài việc chú trọng bổ sung kịch mục đảm bảo sự tươi mới để phục vụ công chúng, Nhà hát còn bảo tồn các vở diễn, trích đoạn tiêu biểu của sân khấu truyền thống Bình Định. Nhiều vở diễn dàn dựng mới đã gặt hái nhiều thành công khi tham gia các cuộc thi sân khấu tuồng và dân ca kịch toàn quốc, như vở Chói rạng sơn hà (đoạt HCV năm 2019), vở Cô thần (HCV năm 2022)… Hiện, đơn vị đang chuẩn bị các điều kiện để tham gia Cuộc thi Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc, Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc.
Việc phục hồi, dàn dựng thêm nhiều vở diễn mới cũng tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng. Nghệ sĩ Thái Anh, diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn, chia sẻ: “Các vở tuồng được phục hồi hay dàn dựng mới đã tạo thêm điều kiện để lớp diễn viên trẻ như tôi được học tập, nâng cao kỹ thuật biểu diễn, có thêm cơ hội phát huy năng lực nghề nghiệp. Nhiều vở diễn khi tham gia dự thi đã mang đến cho các diễn viên trẻ nhiều giải thưởng cao, đó cũng là niềm động viên cho chúng tôi có tinh thần nhiệt huyết giữ nghề”.
Trong xã hội hiện đại hôm nay, nghệ thuật sân khấu truyền thống muốn tiếp cận được khán giả, nhất là khán giả trẻ thì đổi mới là yêu cầu tất yếu. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh từng bước thực hiện các giải pháp đưa nghệ thuật truyền thống của Bình Định trở thành sản phẩm phục vụ du lịch bằng việc xây dựng thêm 1 - 3 chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ du lịch và các lễ hội truyền thống trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: Trong thời buổi công nghệ, việc xây dựng các clip phát trên Facebook, You Tube... để giới thiệu về Nhà hát, các loại hình nghệ thuật tuồng, bài chòi đến công chúng cũng là việc cần làm, chúng tôi cũng đã tính tới hướng này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn kéo khán giả đến Nhà hát xem tuồng, bài chòi bằng cách xây dựng các trích đoạn tiêu biểu với thời lượng biểu diễn phù hợp, vừa diễn vừa giới thiệu làm sao để khán giả dễ tiếp cận với nghệ thuật truyền thống. Vấn đề quan trọng nữa là tạo nguồn nhân lực giữ nghề. Chúng tôi cũng đã tham mưu Sở VH&TT, UBND tỉnh ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực diễn viên, nhạc công tuồng, bài chòi giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 để bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống của Bình Định.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN