Quy Nhơn phát triển thì tỉnh mới phát triển
Với vị thế, đóng góp, vai trò trung tâm của TP Quy Nhơn trong phát triển KT-XH chung của cả tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh nếu Quy Nhơn có vấn đề gì thì tỉnh bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Ngày 21.3, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Thành ủy, UBND TP Quy Nhơn về tình hình KT-XH năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Quy Nhơn phát triển thì các huyện, thị xã mới phát triển
Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của TP Quy Nhơn đối với sự phát triển của tỉnh. Quy Nhơn phát triển sẽ là “trái tim” để các đô thị xung quanh phát triển. Do vậy, UBND thành phố tập trung nói về những vấn đề cần giải quyết để Quy Nhơn phát triển, trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: T.H
Báo cáo về một số vấn đề trong phát triển KT-XH của thành phố, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, năm 2022 cơ bản thành phố về đích 19 chỉ tiêu được giao. Riêng năm 2023, trong 2 tháng đầu năm, hoạt động kinh tế của thành phố tiếp tục duy trì ổn định. Giá trị ngành thương mại dịch vụ đạt hơn 9.112 tỷ đồng, tăng 14,2%. Du lịch tiếp tục khởi sắc khi thành phố đón gần 859 nghìn lượt du khách, doanh thu đạt hơn 1.781 tỷ đồng, tăng hơn 103% so với cùng kỳ.
Trong kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, Quy Nhơn phấn đấu tổng giá trị sản phẩm đạt hơn 61.897 tỷ đồng, cao hơn so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao; tổng thu ngân sách đạt hơn 3.382 tỷ đồng, cao hơn 5% so với kế hoạch giao. Các chỉ tiêu xã hội tương đương với mức được UBND tỉnh giao.
Trọng tâm năm 2023, thành phố tập trung thực hiện 4 Kế hoạch về triển khai các Chương trình hành động của Thành ủy, cụ thể là chương trình hành động số 09-CTr/TU về “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP Quy Nhơn trong sạch, vững mạnh”; số 10-CTr/TU về “Phát triển kinh tế biển, trọng tâm đẩy mạnh dịch vụ, du lịch biển TP Quy Nhơn đến năm 2025”; số 11-CTr/TU về “Tăng cường chỉnh trang đô thị và quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng trên địa bàn TP Quy Nhơn đến năm 2025”; số 12-CTr/TU về “Đẩy mạnh cải cách hành chính hướng đến xây dựng Chính quyền điện tử TP Quy Nhơn đến năm 2026”. Đồng thời triển khai những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Trên lĩnh vực kinh tế, thành phố phấn đấu triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thu ngân sách, phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu được tỉnh giao tối thiểu 5%. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - xây dựng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thành phố đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch; thực hiện đồng bộ các giải pháp trên lĩnh vực du lịch, ước đón khoảng 4,5 triệu lượt khách (chiếm 90% kế hoạch của tỉnh).
Bên cạnh đó, thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Tập trung đặc biệt cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án và quản lý đô thị, quản lý đất đai, môi trường. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị...
Giải quyết nhiều vấn đề “nóng”
TP Quy Nhơn cũng kiến nghị UBND tỉnh gỡ khó 11 vấn đề. Trong đó, đáng chú ý là chỉ đạo các sở, ngành quan tâm hỗ trợ thành phố trong việc tổ chức đấu giá, đấu thầu một số quỹ đất trên địa bàn. Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Khu Đô thị - Du lịch - Văn hóa- Thể thao hồ Phú Hòa; đường Điện Biên Phủ nối dài; các dự án đã phê duyệt quy hoạch phía Đông đường Võ Nguyên Giáp, di dời ra khỏi trung tâm thành phố hai cụm công nghiệp Nhơn Bình và Quang Trung...
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu thành phố tập trung giải quyết những “vấn đề” tồn tại, hạn chế để Quy Nhơn phát triển, trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
- Trong ảnh: Một góc TP Quy Nhơn nhìn từ trên cao. Ảnh: MINH THỌ
Thành phố cũng kiến nghị xử lý đối với các điểm trong 26 điểm quy hoạch dự án phát triển du lịch quy hoạch dọc tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu để đảm bảo cảnh quan, môi trường, hạn chế việc sạt lở và an toàn cho người dân. Đề nghị Sở NN&PTNT sớm thẩm định, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ với diện tích 0,86 ha để thực hiện công trình xử lý khắc phục sạt lở mái taluy đường Nguyễn Tất Thành nối dài.
“Các đồng chí nói, tỉnh vì Quy Nhơn, Quy Nhơn vì tỉnh, nhưng chúng ta phải nói thêm ý nữa là Quy Nhơn sống thì tỉnh sống, Quy Nhơn chết thì tỉnh cũng chết. Nếu Quy Nhơn có vấn đề gì thì tỉnh bị ảnh hưởng rất nặng nề, các đô thị khác không thể thay thế được vì các đô thị khác không có vị thế đắc địa như Quy Nhơn. Do vậy, quan điểm trong thời gian tới, UBND tỉnh xác định chung tay hỗ trợ và tạo sự chủ động cho thành phố trong phát triển KT-XH” .
Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN
Riêng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đặc biệt quan tâm đến vấn đề nổi cộm của thành phố là công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị với tình trạng nóng về lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, sai phép. Đây là khâu yếu, theo đồng chí Chủ tịch, Quy Nhơn cần phải chấn chỉnh ngay. Cùng với đó, các sở, ngành liên quan cũng phải xác định trách nhiệm quản lý ngành. Chủ tịch tỉnh giao Sở Xây dựng trước khi tổ chức hội nghị lập lại trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh, phải cùng làm việc trực tiếp với TP Quy Nhơn, để xem cách thức nào, trình tự, các bước thực hiện tốt nhất, hỗ trợ lực lượng để làm tốt nhất, thực hiện đồng bộ, tránh “cứ ngồi ra văn bản, chỉ đạo triển khai, cứ trên chỉ xuống dưới thì không thực hiện được”.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh khẳng định quan điểm: Các phương án xử lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng phải cụ thể, xuất phát từ địa phương, ví dụ Quy Nhơn làm từng vụ việc một, từng khu vực một. Đầu tiên là phải tổng rà soát lại, sau đó phân tích từng trường hợp một, từng phương án một sẽ làm.
“Tôi yêu cầu các đồng chí khảo sát kỹ. UBND thành phố phải hành động, văn bản là một phần, nhưng mình phải tổng chỉ huy, chứ chỉ đạo văn bản từ trên xuống, đến xã thì khó vì họ không đủ điều kiện. Trên này phải cầm tay chỉ việc, ở dưới triển khai theo chứ không thể “nhồi việc” cho cấp xã”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn nói.
Tâm huyết, trách nhiệm, bỏ qua mọi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm
Trăn trở với sự phát triển của thành phố, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ xử lý một số vấn đề lớn như việc quy hoạch phát triển thành phố, xử lý vướng mắc của các dự án đầu tư.
Ông Dũng cho biết: Thành ủy đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, tổng hợp tất cả trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, sai phép trên địa bàn, tổng hợp phân loại để đề xuất với tỉnh có hướng xử lý, xem trường hợp nào cho tồn tại, trường hợp nào cần cưỡng chế. Cũng không thể làm một sớm, một chiều, nhưng chúng tôi đã, đang và sẽ làm quyết liệt. Bên cạnh đó, rất tâm đắc về mở rộng không gian đô thị để phát triển Quy Nhơn thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Bí thư Thành ủy kiến nghị tỉnh ra quyết định thực hiện di dời hai cụm công nghiệp Quang Trung và Nhơn Bình để làm cơ sở pháp lý thực hiện; xử lý những vướng mắc của các dự án tỉnh đầu tư trên địa bàn thành phố…
Với đóng góp rất lớn, gần như chiếm tuyệt đối trong phát triển KT-XH của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đặt ra các “đề bài” làm ngay trong tháng 3 và tháng 4 tới đây, tỉnh sẽ có các buổi làm việc chuyên đề với TP Quy Nhơn. Trước mắt, tập trung 2 chuyên đề rất cấp bách, bức xúc là chống lấn chiếm đất đai và di dời 2 cụm công nghiệp Quang Trung, Nhơn Bình ra khỏi nội thành thành phố. Bên cạnh đó là chuyên đề về quy hoạch tổng thể TP Quy Nhơn, kết nối giữa quy hoạch riêng của thành phố và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Quy hoạch thành phố phải làm với tinh thần “tâm huyết”, “trách nhiệm”, “bỏ qua hết mọi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, không thể tiếp tục với “sự đã rồi, cứ thế chạy”!”.
Nguồn: BTV
Ngoài ra, thành phố cũng phải chuẩn bị xây dựng các chuyên đề về quản lý trật tự đô thị để xây dựng Quy Nhơn trở thành một điểm đến; chuyên đề về phát triển kinh tế tập trung vào du lịch - thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, phát triển xã đảo gắn với bảo vệ chủ quyền và phát triển du lịch; chuyên đề chuyển đổi số và đô thị thông minh; chuyên đề về an sinh xã hội bao gồm y tế, giáo dục; chuyên đề về quản lý môi trường giải quyết các vấn đề về rác thải, nước thải, nước sinh hoạt, môi trường trong các khu công nghiệp và các điểm du lịch; chuyên đề đảm bảo trật tự an ninh, an toàn xã hội gắn với củng cố quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trong điều kiện Quy Nhơn là thành phố du lịch…
Chủ tịch tỉnh cũng nhấn mạnh quan điểm làm việc, lưu ý các cấp chính quyền của TP Quy Nhơn phải thay đổi cách thức làm việc từ bị động sang chủ động. Trước hết là chủ động xem cách quản lý của mình, phần việc quản lý của mình, phạm vi quản lý của mình để chủ động tiếp cận thực hiện. Thứ hai là thay vì ra văn bản nhiều thì phải làm việc thực tế, có kế hoạch cụ thể, có cách giải quyết việc cụ thể và có kết quả cụ thể. Thứ ba, lấy người dân, DN làm trung tâm và chủ động giải quyết. Cùng với đó, chú trọng công tác cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, đào tạo nguồn lực. Trên những cơ sở này, tỉnh sẽ xác định nguồn lực của thành phố hiện nay xử lý việc gì, phần còn lại tỉnh bắt buộc phải hỗ trợ đầu tư.
THU HIỀN