Chấn chỉnh và xử lý vi phạm tại các trung tâm đào tạo lái xe
Liên quan đến tiêu cực xảy ra tại 1 trung tâm đào tạo lái xe tại Hòa Bình, trao đổi với báo chí chiều 22.3, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã nắm được thông tin và sẽ tiếp tục đôn đốc các Sở Giao thông Vận tải tăng cường thanh, kiểm tra; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, đào tạo lái xe là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các cơ sở đào tạo phải đảm bảo đủ điều kiện về pháp lý, cơ sở vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn được Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra, cấp phép đào tạo và phải tổ chức đào tạo đảm bảo thời gian, nội dung, chương trình theo quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp và Bộ Giao thông Vận tải.
"Các quy định pháp luật, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đã đầy đủ và rõ ràng. Quan điểm của Cục là phải yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện nghiêm. Đơn vị nào cố tình làm sai phải chịu trách nhiệm, chịu xử lý theo quy định của pháp luật", đại diện lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Ảnh minh họa: TTXVN
Trong thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã liên tục có nhiều văn bản yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Trước đó, vào đầu tháng 2, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập 3 đoàn kiểm tra nhằm phát hiện bất cập trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Ngoài ra việc thanh, kiểm tra nhằm đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý tồn tại, vi phạm và hướng dẫn các đơn vị được thanh, kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc và cán bộ liên quan của Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ vừa bị khởi tố thuộc Trường Cao đẳng nghề kinh doanh và công nghệ Hà Nội), được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép đào tạo lái xe ngày 16.1.2020, cho phép đào tạo các hạng B, C với lưu lượng dưới 1.000 học viên.
Đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Hoạt động này nhằm đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đồng thời, phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm (nếu có) và hướng dẫn các đơn vị được thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông Vận tải tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe thuộc quyền quản lý. Việc thanh, kiểm tra phải xong trước ngày 15.4.2023.
Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các Sở Giao thông Vận tải. Việc kiểm tra phải hoàn thành trong tháng 4.2023.
Hiện, cả nước có 149 trung tâm sát hạch lái xe, 343 trung tâm đào tạo lái ô tô, 463 cơ sở đào tạo lái mô tô.
Ngày 21.3, VKSND tỉnh Hòa Bình phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Viết Tuấn, Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, thuộc Trường Cao đẳng nghề Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Cùng tội danh trên, cơ quan tố tụng khởi tố ông Đỗ Hồng Quân (tổ trưởng giáo viên dạy lý thuyết) và ông Nguyễn Ngọc Khuyên (tổ trưởng giáo viên thực hành) thuộc trung tâm này.
Theo cáo buộc, lãnh đạo trung tâm đã cho phép tuyển người có đủ điều kiện để tập huấn và ký hợp đồng làm giáo viên đào tạo sát hạch lái xe. Tuy nhiên, nhiều giáo viên ký hợp đồng nhưng không trực tiếp giảng dạy, mà chỉ đứng tên trên hồ sơ, tài liệu.
Để hợp thức hóa hồ sơ, lãnh đạo trung tâm được cho là đã chỉ đạo cấp dưới giả mạo chữ ký, thông tin để ghi khống nội dung vào một số tài liệu liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch.
(Theo Quang Toàn/TTXVN)