Bảo vệ nước, an toàn trước thiên tai: “Cảnh báo sớm để hành động sớm”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng “cảnh báo sớm để hành động sớm, hành động kịp thời” là giải pháp quan trọng để giảm thiểu được nhiều rủi ro từ thiên tai.
Sáng 23.3, lễ phát động quốc gia Ngày nước thế giới, Ngày khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 đã được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với hàng trăm điểm cầu từ các tỉnh, thành phố, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế.
(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Đây là sự kiện quan trọng được Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài nguyên nước, vai trò của hoạt động nghiên cứu dự báo các hiện tượng khí tượng sắp diễn ra; từ đó góp phần tăng cường quản lý bền vững tài nguyên nước đồng thời có những dự báo sớm để sẵn sàng ứng phó kịp thời với các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nước ngầm là "cứu cánh"
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Trong đó, nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng đang đối mặt các thách thức của thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan và ngày càng khó dự đoán.
Để giải quyết tốt những thách thức nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó là các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực thi các cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP27 trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức toàn cầu; cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam (Phó chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á, đại diện thường trực của Việt Nam tại Tổ chức Khí tượng Thế giới) cho hay hiện nay nguồn nước ở Việt Nam đang khan hiếm.
Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường muốn gửi thông điệp đến với cộng đồng: Nước ngầm là “cứu cánh,” để chúng ta cùng nhau sử dụng nước tiết kiệm, sử dụng các nguồn nước hài hòa, hiệu quả.
Bà Ramla Al Khalidi - Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết nước là sự sống, vì thế chúng ta cùng có trách nhiệm sử dụng nước có hiệu quả, tránh ô nhiễm nguồn nước.
“Hiện nay, UNDP đang phối hợp với Việt Nam đối phó với hạn hạn, thiếu nguồn nước và sinh kế của người dân; ưu tiên triển khai mạng lưới các dịch vụ khí hậu để đưa ra cảnh báo nhằm giảm thiểu tác hại đến nền kinh tế và đưa ra kế hoạch sản xuất có hiệu quả; đầu tư vào chuyển đổi năng lượng xanh," bà Ramla Al Khalidi nói.
Sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng ứng phó
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Phạm Hồng Thái cho hay, trong các năm vừa qua, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Vì thế, với thông điệp "cảnh báo sớm, hành động sớm, hành động kịp thời," chúng ra có thể tránh và khắc phục được nhiều rủi ro từ thiên tai.
Về phía địa phương, ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết là tỉnh miền núi được dự báo sẽ bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Vì thế, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ luôn “sẵn sàng với thay đổi thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu”.
Năm 2023, để hưởng ứng Ngày nước thế giới, Ngày khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện và thành phố triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng rộng rãi sự kiện quan trọng này.
Tại lễ phát động, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị các cấp bộ, ngành, địa phương thống nhất hành động, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng kế hoạch cụ thể từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ.
Đặc biệt, các cấp bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh lối sống xanh và thân thiện môi trường; quan tâm giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước gắn với công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu…
Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức tọa đàm với chủ đề “Vai trò của khí tượng thủy văn, tài nguyên nước trong thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển đất nước.” Tọa đàm đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và để làm được điều đó không thể thiếu vai trò của thông tin dự báo và cảnh báo khí tượng thủy văn, quản lý vận hành liên hồ chứa./.
(Theo Hùng Võ/Vietnam+)