Chùa Thạch Cốc qua Mộc bản Triều Nguyễn
Nằm ở địa phận thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, chùa Thạch Cốc (hay còn gọi là chùa Hang, chùa Thiên Sanh) là một thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất võ Bình Định. Về nguồn gốc, thời điểm ra đời của ngôi chùa này hiện có nhiều giả thuyết khác nhau.
Trong dân gian hiện lưu truyền hai giả thuyết. Thuyết thứ nhất cho rằng chùa Thạch Cốc được chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho xây dựng vào năm Quý Sửu (1613). Tuy nhiên, cũng có thuyết cho rằng, khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thể kỷ XVIII, có người (không rõ tên) đến hang đá ở thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ phát tâm dựng chùa để tu hành, nên chùa còn được gọi là chùa Hang.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 27 ghi chép chùa Thạch Cốc. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Trong sách Nhân vật Bình Định của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, phần ghi về nhân vật Võ Trứ, có đề cập một chuyện lạ xảy ra ở Bình Định. Khi ấy là năm Giáp Ngọ (1894), huyện Phù Cát và nhiều nơi ở Bình Định bị dịch bệnh hoành hành, nhiều làng bị rào cách ly, có nơi dân chúng đốt làng di tản nơi khác, nhiều người chết. Lúc này bỗng xuất hiện một vị lão tăng, do tu ở chùa Hang nên gọi là thầy chùa Hang, vài hôm sau thì thấy Võ Trứ (là một phó tướng dưới trướng Mai Xuân Thưởng trong phong trào Cần Vương ở Bình Định) cũng có mặt. Hai người phát thuốc cho dân chữa bệnh, không lấy tiền, nhờ đó nhiều người đã khỏi bệnh.
Việc này làm nhiều người tụ tập về chùa Hang khiến cho quan phủ sợ khởi loạn nên ra lệnh cấm người đến xin thuốc, đồng thời tầm nã gắt gao thầy chùa Hang và Võ Trứ. Về sau không rõ vị lão tăng mất khi nào và ở đâu, để nhớ ơn, dân đã đến hang để lập chùa Hang thờ cúng nhằm nhớ công ơn cứu mạng.
Chùa Thạch Cốc còn gắn liền với nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí trong dân gian, đặc biệt là câu chuyện về “đường lên trời” và “đường đi xuống âm phủ”. Cả hai chuyện này đều được sách Đại Nam nhất thống chí, biên soạn dưới đời vua Tự Đức ghi lại. Tuy nhiên, trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, “đường xuống âm phủ” đã bị vùi lấp và đến nay không còn nữa. Có lẽ vì vậy mà trong Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí dưới triều vua Duy Tân (1909), tuy vẫn chép về nơi này nhưng không còn nhắc đến “đường xuống âm phủ” nữa. Trong dân gian có kể lại, tương truyền có người thả một quả bưởi được khắc dấu xuống hang, một thời gian sau thấy có người nhặt được ở cửa biển Đề Gi, cách chùa hơn 20 km.
CAO THỊ QUANG