Doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ, viên nén gặp khó
Chừng 10 ngày qua, giá nguyên liệu gỗ ở thị trường Bình Ðịnh đột ngột giảm nhanh từ 1,7 - 1,8 triệu đồng/tấn còn 1,2 triệu đồng/tấn. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dăm gỗ và viên nén giảm thu mua nguyên liệu vì đơn hàng xuất khẩu giảm sút.
Theo thông tin của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, 2 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng dăm gỗ, viên nén có mức tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 42 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng sang tháng 3.2023, nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ, viên nén bắt đầu ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng mới và giá xuất khẩu giảm từ 180 USD/tấn khô còn 150 - 160 USD/tấn khô. Theo đó, giá nguyên liệu gỗ rừng trồng tại các nhà máy dăm gỗ, viên nén từ mức 1,7 triệu đồng /tấn giảm còn xấp xỉ 1,2 triệu đồng/tấn.
Công ty TNHH Hưng Nguyệt Anh, Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh vẫn hoạt động sản xuất dăm gỗ bình thường. Ảnh: HẢI YẾN
Dù vậy, khi chúng tôi có mặt tại Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, 4 nhà máy của các công ty sản xuất dăm gỗ và viên nén vẫn hoạt động bình thường. Ông Trần Lâm Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Nguyệt Anh, cho biết: Từ năm 2022 đến tháng 2.2023, mỗi tháng công ty nhận 4 - 5 đơn hàng xuất khẩu dăm gỗ nhưng tháng 3.2023, công ty chỉ nhận 2 đơn hàng. Số lượng đơn hàng giảm cùng với đó là giá bán dăm gỗ cũng giảm khoảng 12% so với trước; nhưng để đảm bảo việc làm cho công nhân, tập trung dự trữ hàng liên tục cho các đối tác, công ty vẫn duy trì sản xuất.
Theo đại diện một số DN sản xuất dăm gỗ ở Bình Định, tại các thị trường thường xuyên nhập khẩu dăm gỗ từ Việt Nam, đặc biệt là Nhật Bản, lượng hàng tồn kho hiện ở mức cao khiến nhu cầu nhập thêm hàng giảm, giá mua vào cũng giảm theo.
Trong khi sản phẩm dăm gỗ giảm sút đơn thì mặt hàng viên nén khả quan hơn. Ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội viên nén thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài, TP Quy Nhơn, cho biết: Viên nén sản xuất ở Bình Định hầu hết xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản theo hợp đồng dài hạn, nhu cầu nhập khẩu của các đối tác Nhật Bản có thể giảm chút đỉnh nhưng sẽ hồi phục. Hiện nay, Nhật Bản đang phát triển nhiều nhà máy nhiệt điện sử dụng viên nén, do đó, nhu cầu về viên nén sẽ tăng rất cao.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, tỉnh Bình Định là địa phương có nhiều thuận lợi cho việc phát triển ngành chế biến viên nén gỗ. Ngoài diện tích rừng trồng trên địa bàn, các nhà máy chế biến viên nén tại Bình Định còn có thể mua gom gỗ rừng trồng từ các tỉnh Tây Nguyên như: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk… Đây là vùng nguyên liệu đủ để các nhà máy hoạt động ổn định. Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài đang nghiên cứu sử dụng cỏ voi làm nguyên liệu sản xuất. Trồng cỏ voi chỉ 4 tháng là thu hoạch, năng suất có thể đạt 300 tấn/ha. Mỗi năm làm 3 vụ, vị chi thu hoạch được 900 tấn cỏ voi/ha/năm. Nếu sử dụng cỏ voi làm nguyên liệu chế biến viên nén hiệu quả thì ngành chế biến viên nén giảm hẳn mối lo về nguyên liệu sản xuất, đồng thời mở ra một hướng sản xuất mới cho nông dân.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết: Hiệp hội đưa ra giải pháp gỡ khó cho hội viên bằng cách tăng hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể: Hiệp hội đã phối hợp với Công ty CP Hội chợ ngành gỗ Việt Nam (VIFOREST FAIR), các Hiệp hội ngành gỗ hỗ trợ tổ chức Hội chợ đồ gỗ HAWAEXPO 2023 tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 22- 25.2.2023 với sự tham dự của 13 hội viên có diện tích trưng bày sản phẩm trên 800 m2 (đồ gỗ trong nhà, ngoài trời, nhựa đan, gối nệm). Thực hiện các bước chuẩn bị tổ chức Hội chợ quốc tế Hàng ngoài trời, máy móc và vật tư phụ trợ ngành gỗ Bình Định năm 2024 (địa điểm mặt bằng tại TP Quy Nhơn); làm việc với đối tác quốc tế tại Trung Quốc; dự kiến đón Đoàn khảo sát của đối tác tại TP Quy Nhơn ngày 26.3.2023...
“Trong quý I/2023, sản lượng dăm gỗ tăng 47,8% so với cùng kỳ. Sở Công Thương tiếp tục theo dõi tình hình, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN để xử lý, hỗ trợ. Liên quan đến ngành chế biến gỗ, sản xuất dăm gỗ, trong năm 2023, một số nhà máy mới đi vào hoạt động như: Nhà máy chế biến gỗ nội - ngoại thất cao cấp Thiên Bắc Nhơn Hội (3.600 m3 gỗ/năm); Nhà máy sản xuất đồ gỗ cao cấp Thiện Tâm (1 triệu sản phẩm/năm); Nhà máy sản xuất chế biến lâm sản của Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát Tây Sơn (150 nghìn tấn viên nén/năm); Nhà máy chế biến gỗ, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học rắn Hoài Nhơn của Công ty TNHH Năng lượng xanh Idemitsu Việt Nam (25.000 tấn viên nén gỗ/năm và 36.000 m3 gỗ); Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học rắn của Công ty TNHH Năng lượng xanh Hà Tiên (120 nghìn tấn/năm)”.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương
HẢI YẾN