Ðảm bảo hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư các công trình cấp nước
Đó là vấn đề quan trọng đặt ra tại kỳ họp thứ 10 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026), diễn ra ngày 23.3.
Các đồng chí: Hồ Quốc Dũng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Phi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Huỳnh Thúy Vân - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì kỳ họp.
Thu hút nhiều sự quan tâm tại kỳ họp là vấn đề kéo dài vốn đầu tư công từ năm 2022 sang năm 2023 và việc quản lý,vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn.
Nhiều khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công
Theo tờ trình của UBND tỉnh, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 không đảm bảo yêu cầu đề ra. Tại kỳ họp này, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét cho phép kéo dài giải ngân vốn ngân sách địa phương năm 2022 sang năm 2023 với tổng vốn gần 926 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh hơn 448 tỷ đồng; vốn khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai hơn 22 tỷ đồng và vốn ngân sách cấp huyện hơn 455 tỷ đồng.
Quang cảnh kỳ họp.
Giải trình về việc xin kéo dài, chuyển nguồn vốn đầu tư công năm 2022 sang thực hiện năm 2023, Chủ tịch UBND TX An Nhơn Lê Thanh Tùng cho biết: Năm 2022, thị xã có 1.246 dự án được bố trí vốn 1.903 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách tỉnh cấp chỉ đạt 73,7 tỷ đồng, đạt 96,8%; vốn ngân sách thị xã giải ngân đạt 1.644 tỷ đồng, đạt 90,6%. Tổng vốn địa phương xin điều chuyển sang giải ngân năm 2023 là hơn 148 tỷ đồng.
“Nguyên nhân dẫn tới việc chậm giải ngân vốn đầu tư công một phần là do vướng giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu thi công tăng cao, quy trình thủ tục đầu tư các dự án nhóm B có thời gian dài và việc bố trí vốn một số danh mục dự án đầu tư dồn vào thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư chưa chủ động, đồng bộ, nhất là chưa xây dựng kế hoạch cụ thể của từng dự án để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Một nguyên nhân khác là nhân lực tại ban quản lý dự án không đảm bảo, trong khi lượng dự án đầu tư quá lớn, dẫn đến quá tải”, ông Tùng nói.
Ông Đào Văn Khôi, Trưởng Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh, cũng giải trình việc xin điều chuyển vốn đầu tư sang năm 2023 với 15 dự án, tổng vốn hơn 41,48 tỷ đồng.
“Năm 2022, Ban được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện vốn đầu tư công của 30 dự án với kế hoạch vốn được giao hơn 418 tỷ đồng. Kết quả đã giải ngân đạt 90,1%; số vốn còn lại chưa giải ngân đến 31.1.2023 là hơn 41,48 tỷ đồng. Trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư chậm trước hết thuộc về Ban. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng là một đặc thù, phụ thuộc rất nhiều vào người dân”, ông Khôi bày tỏ.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: UBND tỉnh và các ngành, địa phương phải rà soát lại danh mục các dự án thực sự cần thiết, bức xúc và có tính lan tỏa; dự án nào có khả năng bố trí được thì phải bố trí vốn thực hiện. Dự án nào gặp khó khăn, vướng mắc thì có thể linh động bố trí trước một phần, chẳng hạn có thể bố trí trước phần giải phóng mặt bằng, sau khi hoàn thành mới bố trí vốn phần xây lắp.
“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài các kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh đã tổ chức 5 kỳ họp chuyên đề. Điều đó cho thấy Thường trực HĐND tỉnh luôn đồng hành với UBND tỉnh, kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, thể hiện rõ sự chủ động của HĐND tỉnh trong vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; chủ động quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh nhà”.
Chủ tịch HĐND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG
Yêu cầu đặt ra là phải xem xét, chấn chỉnh việc triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, nhất là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện, thị xã, thành phố để giao vốn phù hợp với năng lực. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh, các chủ đầu tư phải rà soát lại các thủ tục, quy trình để chấn chỉnh, nhất là công tác thẩm tra, thẩm định các dự án. “Phải làm sao cho trôi chảy, không được để ách tắc ở khâu này, khâu khác dẫn đến việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Nhân dân phải được hưởng lợi từ dự án cấp nước sạch
Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh dành nhiều thời gian làm rõ kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong năng lực thực hiện các dự án nước sạch vùng nông thôn và miền núi, khả năng vận hành các nhà máy cấp nước của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT).
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết của Kỳ họp.
Đăng đàn tại phiên giải trình, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Trung tâm có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án cấp nước sinh hoạt, nâng cấp các nhà máy và vận hành hiệu quả hoạt động các nhà máy.
Ông Phúc thông tin: Trung tâm là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên, có 81 viên chức và người lao động. Cơ cấu tổ chức có 3 phòng và 3 trạm; có Phòng xét nghiệm nước đạt tiêu chuẩn.
Về năng lực quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, đơn vị đang quản lý vận hành 7 công trình. Tổng số hộ cấp nước 47.000 hộ, chiếm 17% tổng số hộ ở nông thôn. Vừa qua, UBND tỉnh giao công trình Nhà máy nước sạch huyện Vân Canh cho Trung tâm quản lý, vận hành từ ngày 9.1.2023.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng bày tỏ băn khoăn: “Việc xây dựng các dự án cấp nước, đưa nước sạch về nông thôn là hết sức cấp thiết, phải được giải quyết căn cơ. Chúng ta không được để người dân sử dụng nước không hợp vệ sinh. Nhưng cái lo nhất hiện nay là xây rồi quản lý, vận hành sao cho hiệu quả. Kỳ họp này thông qua 3 dự án cấp nước, cấp nước sinh hoạt tại 3 địa phương với tổng kinh phí gần 442 tỷ đồng. Đầu tư thì dễ, làm sao để người dân được hưởng lợi bền vững từ dự án mới là mục đích hướng tới”.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh rà soát, lên phương án đầu tư, quản lý và vận hành hiệu quả, tránh trường hợp như Nhà máy nước sạch huyện Vân Canh trước đây. “Nếu Giám đốc Sở NN&PTNT đã cam kết thì phải chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND tỉnh. Không được có suy nghĩ cứ đầu tư cho xong, sau đó vận hành được hay không thì tính sau”, đồng chí Hồ Quốc Dũng lưu ý.
● Kỳ họp đã thông qua 24 nghị quyết trên các lĩnh vực đầu tư, ngân sách, an sinh - xã hội… với sự nhất trí cao của đại biểu HĐND tỉnh. Trong đó có nhiều nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo như: Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023; Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2022; Nghị quyết về chủ trương chuyển ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện dự án phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định một số mức chi phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quyết định tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025...
● Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn sẽ được triển khai bài bản, không vội vàng
Trao đổi với phóng viên bên hành lang kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Đối với Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn, tỉnh sẽ triển khai hết sức bài bản, không vội vàng, người dân đồng thuận mới làm. Việc thẩm định dự án thuộc thẩm quyền của Trung ương. Cụ thể, thẩm định việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng thuộc về Bộ NN&PTNT; thẩm định về đánh giá tác động môi trường là Bộ TN&MT, thẩm định công nghệ là Bộ KH&CN. Các bộ này thẩm định xong sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo các thủ tục về đầu tư, không ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng khu liên hợp gang thép Long Sơn; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân. Những việc này sẽ được báo cáo cho các cơ quan chức năng, khi đầy đủ các thủ tục sẽ triển khai tuyên truyền để người dân đồng thuận.
“Hiện nay, Dự án mới ở giai đoạn khảo sát, chưa biết cụ thể diện tích hay phạm vi ra sao, nhưng về nguyên tắc là không ảnh hưởng đến Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu Không số”, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định.
NGUYỄN HÂN - HỒNG PHÚC