Giữ gìn nghệ thuật truyền thống múa trống đôi
Múa trống đôi hay còn gọi là Kơ-toang là một nghệ thuật đặc sắc của người Chăm H’roi, thời gian qua đang dần bị mai một. Để không mất đi nét văn hóa độc đáo này, các nghệ nhân đang cố gắng tiếp lửa đam mê cho thế hệ trẻ.
Tại huyện Vân Canh, trống đôi đã có từ lâu trong đời sống người Chăm H’roi. Buổi tối, khi công việc đã xong, thanh niên, trẻ em trong làng tập trung về nhà rông để được các nghệ nhân hướng dẫn cách đánh và múa trống.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hương, là phụ nữ đầu tiên biết chơi nhạc cụ này. Năm 12 tuổi, khi thấy các già làng, nghệ nhân trình diễn bà rất thích, sau đó tự tìm tòi, học hỏi rồi được chỉ dạy thêm để tham gia trình diễn. Nghệ nhân Ngọc Hương cho biết, khi múa trống đôi đòi hỏi người diễn phải hiểu ý nhau, di chuyển nhịp nhàng, uyển chuyển, thông qua tiếng trống, người Chăm H’roi có thể cảm nhận được tâm trạng, tình cảm của người thể hiện.
Trống đôi được làm từ da bò và gỗ cây mít, gồm có trống đực và trống cái, mặt trống đực được làm căng để tạo ra âm thanh lớn, vang hơn so với trống cái. Điểm khác biệt khi đánh trống đôi là dùng tay chứ không dùng dùi, nhằm tạo ra tiết tấu và giai điệu khác nhau.
Múa trống đôi đi liền với dàn nhạc cụ cồng ba và chiêng năm, được người dân trình diễn trong các lễ hội mang ý nghĩa khẩn cầu thần linh sự may mắn, bình an, hạnh phúc và sức khỏe cho buôn làng.
Để tiếng trống Kơ-toang có thể ở mãi với người Chăm H’roi, bên cạnh sự tâm huyết truyền dạy của các nghệ nhân thì rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, các ban, ngành trong công tác đào tạo, hỗ trợ kinh phí để những thế hệ sau có động lực nối tiếp niềm đam mê, giữ gìn nét văn hóa truyền thống này.
PHAN TUẤN (thực hiện)