UBND tỉnh tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
(BĐ) - Ngày 24.3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đa số đại biểu đồng tình với việc sửa đổi Luật đất đai, vì qua 10 năm thực hiện Luật đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được với yêu cầu là công cụ pháp lý để điều chỉnh các quan hệ đất đai hiện nay. Các ý kiến cũng đánh giá cao về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) so với Luật đất đai năm 2013 có nhiều ưu điểm, đã quy định khá đầy đủ, chi tiết và có nhiều điểm mới, vừa mang tính khái quát, vừa cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu thực tiễn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị góp ý kiến.
Tại nghị hội, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); trong đó tập trung phân tích, đóng góp ý kiến vào các nội dung trọng tâm như: Thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; việc thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất. Vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất. Việc xử lý các luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); một số vấn đề chưa quy định trong dự thảo luật...
Liên quan đến bảng giá đất, các đại biểu cho rằng nên giữ như luật cũ, tức 5 năm điều chỉnh 1 lần nhưng để phù hợp tình hình thực tế thì sẽ điều chỉnh hệ số theo năm và thẩm quyền điều chỉnh theo UBND, cập nhật giá đất chỉ cần tăng 20% tại vị trí, khu vực đó. Đối với việc điều tiết nguồn thu từ đất quy định tại điều 148 của dự thảo luật Đất đai, các đại biểu cho rằng việc điều tiết nguồn thu là do Nhà nước chịu trách nhiệm, vì vậy vấn đề này nên đưa vào Luật Ngân sách thì sẽ phù hợp hơn.
Về trình tự, thủ tục ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt quy định tại khoản 4 Điều 85 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được sửa đổi khắc phục quy định “Quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt cùng 1 ngày” theo luật cũ. Tuy nhiên, dùng từ “sau khi” sẽ không xác định được thời gian cụ thể, do đó cần quy định thời gian cụ thể là bao nhiêu ngày.
Đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có ý kiến đề nghị xây dựng lộ trình bỏ hộ gia đình ra khỏi Luật Đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan; sửa đổi theo hướng ngừng cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình trước đây cần bổ sung ghi rõ từng thành viên hoặc ghi rõ phần của mỗi thành viên được hưởng
Đối với nội dung đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, đại biểu kiến nghị bổ sung điều kiện “tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án”. Khi quy hoạch đất đai, phải ghi rõ thời gian, thời hạn cụ thể….
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp chất lượng, sâu sắc, thiết thực, có trọng tâm với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của đại diện các sở, ngành, địa phương. Để việc lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được thêm nhiều ý kiến tham gia có chất lượng, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu kỹ dự thảo, trên cơ sở thực tiễn quá trình triển khai nhiệm vụ, góp ý những điểm chưa phù hợp, bất cập, cần bổ sung để trình Ban soạn thảo đúng quy định.
K.ANH