Mất của do nhẹ dạ, cả tin
Mặc dù cơ quan chức năng tích cực khuyến cáo về thủ đoạn, phương thức của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng do tâm lý chủ quan, hám lợi, nhiều người vẫn sập bẫy.
Cả tin, hám lợi
Theo cơ quan chức năng, phần lớn các đối tượng lạm dụng, lừa đảo đều đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân.
Đơn cử là trường hợp chị N.T.T.T. (huyện Tây Sơn), nạn nhân của lừa đảo qua mạng. Ngày 31.1, chị T. được một đối tượng trên Facebook nhắn tin hướng dẫn cách tăng tương tác thông qua ứng dụng Bigo live; sau mỗi lần nhấn like, theo dõi các link do hệ thống cung cấp sẽ có tiền.
Thấy công ty có địa chỉ cụ thể, sau 9 lần làm như hướng dẫn, tài khoản được cộng thêm 189 nghìn đồng nên chị T. có phần tin tưởng. Sau đó, theo hướng dẫn, để thực hiện các nhiệm vụ cao cấp hơn, chị phải chuyển tiền cọc, cọc nhiều thì sẽ được hưởng nhiều hoa hồng. Sau 4 lần chuyển khoản cả tỷ đồng vẫn không thấy hoa hồng như cam kết, chị T. hỏi thì được yêu cầu chuyển tiền tiếp để nâng lên hạng VIP mới được rút tiền.
Tưởng thật, chị T. tiếp tục chuyển thêm 2 lần nữa, nhưng vẫn không nhận được hoa hồng như đã thỏa thuận. Sau đó, chị liên tiếp được yêu cầu chuyển thêm tiền để nhận lại toàn bộ số tiền đã chuyển trước đó. Chị không đồng ý và sau đó không liên lạc được với các đối tượng trên.
Trong khi đó, để tiếp tục có tiền đầu tư vào tiền ảo và tiêu xài cá nhân, bị cáo Huỳnh Ngọc Trọng (SN 1993, ở huyện Tuy Phước) đưa ra nhiều thông tin gian dối như: Thiếu tiền để nhập rượu ngoại, xuất khẩu gỗ, chuộc tài sản đã cầm cố… để nhiều người tin tưởng, cho bị cáo mượn nhiều lần với hơn 950 triệu đồng rồi chiếm đoạt.
Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Trọng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: K.A
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm mới đây do TAND tỉnh tổ chức, Trọng khai nhận, thời gian đầu. việc đầu tư vào tiền ảo thu lợi khá nhiều, nên có bao nhiêu tiền cũng dồn vào đây, khi không thể rút được tiền ra thì đi lừa để có tiền trang trải. “Để tạo lòng tin cho các nạn nhân, bị cáo luôn tỏ ra cho mọi người thấy việc kinh doanh của mình đang rất thuận lợi và mở rộng nên bị thiếu tiền. Thay vì mượn 1 lúc nhiều tiền, bị cáo chia nhỏ nhiều lần với nhiều lý do khác nhau”, Trọng khai nhận. Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trọng phải nhận 10 năm tù giam.
Thận trọng để giữ tài sản
Theo các cơ quan tố tụng, phương thức và thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh không mới, song vẫn có nhiều người sập bẫy. Cụ thể, từ ngày 1.12.2022 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố 20 vụ/7 bị can phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 vụ/4 bị can lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Viện KSND tỉnh), cho biết: “Tội phạm này đang có dấu hiệu gia tăng. Hành vi phổ biến là đánh trúng vào tâm lý hám lợi, tin tưởng của nhiều người; hệ lụy gây ra nặng nề với số tiền thiệt hại lớn”.
Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định rõ: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến trên 500 triệu đồng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bên cạnh sự chặt chẽ của pháp luật và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự nâng cao tinh thần cảnh giác và hiểu biết khi tham gia mạng xã hội.
KIỀU ANH