FED tăng lãi suất lần thứ 9, tác động gì đến kinh tế Việt Nam?
Các chuyên gia cho rằng, việc Fed tăng thêm 0,25% điểm % lần này tác động tới thị trường Việt Nam không lớn, có chăng, tác động chỉ mang tính ngắn hạn.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần thứ 9 kể từ đầu năm ngoái, tăng 0,25 điểm %, như vậy lãi suất cho vay qua đêm hiện nay của FED là 4,75%-5%. Đối với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, lần tăng lãi suất này đúng như kỳ vọng của đa số nhà đầu tư, giới chuyên gia sau khi 2 ngân hàng Mỹ tuyên bố phá sản.
Không nhiều tác động tới Việt Nam
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, việc FED tăng lãi suất lần này là bước đi cần thiết, được tính toán rất thận trọng, đa chiều, đa mục tiêu hơn. Cụ thể, quyết định này giúp FED đạt được ít nhất 3 mục tiêu: Thứ nhất, tiếp tục kiên định cuộc chiến chống lạm phát. Thứ hai, tính đến bất ổn thị trường ngân hàng tại Mỹ và toàn cầu. Thứ 3, động thái này nhằm bảo vệ uy tín chính sách của FED.
Đối với Việt Nam, ông Lực cho rằng việc tăng lãi suất lần này của FED cũng nằm trong tiên lượng, trong tính toán của cơ quan điều hành và nhà đầu tư, nên sẽ tác động không đáng kể. Vấn đề là tâm lý và phản ứng của nhà đầu tư, người gửi tiền ở Mỹ và toàn cầu trong những ngày tới có thể vẫn còn xáo trộn, có tác động nhất định đối với thị trường tài chính Việt Nam.
FED tăng lãi suất lần thứ 9 tác động không nhiều đến kinh tế Việt Nam. (Ảnh: VIetnam)
Đánh giá về động thái tăng lãi suất 0,25% của FED, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho biết FED tăng lãi suất không phải là điều bất ngờ, mà đã được dự báo từ trước. Mức độ ảnh hưởng của kỳ điều chỉnh lần này tác động tới thị trường Việt Nam không lớn, có chăng, tác động chỉ mang tính ngắn hạn. Phía Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch từ trước và có hành động hạ lãi suất và bơm thanh khoản cho thị trường.
“Tuy nhên, trên cơ sở FED tăng lãi suất và chính sách điều hành của FED trong thời gian tới, có thể thấy rằng kỷ nguyên ‘tiền đắt’ vẫn chưa thể kết thúc được, ít nhất trong năm nay. Đối với thị trường chứng khoán một vài phiên tới sẽ chịu ảnh hưởng của quyết định tăng lãi suất của FED. Dự báo, ít nhất trong trung hạn năm nay vẫn là một năm vất vả với thị trường chứng khoán. Tôi kỳ vọng, nửa cuối năm 2023, mức tích cực sẽ nhiều hơn, cần lưu ý tốt hơn ở đây là so với mức xấu nhất, chứ không thể về mức mơ ước như năm 2021,” ông Phan Dũng Khánh nhận định.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa giảm một loạt lãi suất điều hành.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết mặc dù nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn do chính sách tài chính, lãi suất của các nước trong đó có Mỹ, nhưng nền kinh tế cũng phát đi tín hiệu tích cực trong kiểm soát lạm phát và Chính phủ đang triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả các chính sách, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, điều hành chính sách tiền tệ có thể tiếp tục linh hoạt, trước mắt giảm một số lãi suất điều hành. Quyết định này nhằm tạo thông điệp cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Từ đó, giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, nhanh chóng khôi phục, nhất là lĩnh vực động lực của nền kinh tế.
“Thời gian qua các ngân hàng cũng đã cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Và trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng lại có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ thêm.
Hỗ trợ tỷ giá trong năm 2023
Bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, cùng với việc FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất và chương trình thắt chặt định lượng của FED, các chuyên gia kỳ vọng CPI của Việt Nam năm 2023 sẽ tăng trong khoảng 3,2%-4,5% nằm trong mục tiêu 4,5% của Chính phủ.
Ngoài ra thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ VND từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, do nhu cầu về vốn vay vẫn thấp (do lãi suất cao hơn nhu cầu của nền kinh tế) và nguồn USD đổ vào Việt Nam đang dồi dào giúp hỗ trợ tỷ giá cũng như thanh khoản của hệ thống ngân hàng nên các chuyên gia dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể được duy trì thấp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dự kiến Ngân hàng Nhà nước có thể cố gắng giữ nguyên chính sách điều hành hiện hành với mức lãi suất điều hành hợp lý nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất (lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao tại Mỹ), Ngân hàng Nhà nước có thể tăng dần lãi suất điều hành (nhất là lãi suất tái cấp vốn) thêm 0,5%-1% trong cả năm 2023 để hỗ trợ đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá.
Chuyên gia của ACBS cũng cho rằng áp lực giảm giá Việt Nam đồng sẽ thấp trong năm 2023 bởi 4 yếu tố.
Thứ nhất, đồng USD suy yếu trong thời gian gần đây đã góp phần làm cho VND mạnh. Xu hướng này được dự báo có thể tiếp tục do FED dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023 và có thể dừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023.
Thứ hai, FDI giải ngân dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh do Việt Nam vẫn là nhà sản xuất chi phí thấp, kinh tế vĩ mô ổn định và chi phí lao động cạnh tranh hơn trong khu vực. Điều này có thể hấp dẫn các doanh nghiệp FDI đầu tư và thành lập nhà máy sản xuất, mang lại nhiều USD hơn cho Việt Nam.
Thứ ba, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ, đặc biệt đến từ du lịch quốc tế cũng là yếu tố hỗ trợ cho dòng vốn ngoại.
Cuối cùng, dự báo kinh tế mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 lên 2,9%, từ mức 2,7% được dự báo vào tháng 10/2022, nhờ đó, hoạt động xuất khẩu, một trong những nguồn cung cấp USD chính cho Việt Nam, có thể vẫn khả quan trong năm 2023, mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể điều chỉnh.
Nhìn chung, chuyên gia ACBS dự báo VND có thể tăng giá nhẹ trong nửa sau năm 2023./.
(Theo Thúy Hà/Vietnam+)