Thanh niên nêu cao ý chí, xung kích, tiên phong trong kỷ nguyên số
Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931- 26.3.2023), sáng 25.3, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã có buổi đối thoại với 200 cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên đại diện cho hơn 327 nghìn thanh niên toàn tỉnh, với chủ đề “Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ tỉnh Bình Ðịnh trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0”.
Quang cảnh buổi đối thoại.
Mở đầu buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn bày tỏ mong muốn được lắng nghe các bạn trẻ đề xuất ý tưởng, hiến kế để tỉnh nhà phát triển. Đồng thời, góp ý về công tác điều hành của hệ thống chính quyền các cấp để hoạt động thêm hiệu quả, giải quyết được ngày càng nhiều việc cho nhân dân.
Tuổi trẻ phải tiên phong chuyển đổi số
Buổi đối thoại diễn ra với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và cởi mở. 13 lượt ý kiến, kiến nghị của thanh niên (TN) tập trung vào 3 nhóm chủ đề. Một là chuyển đổi số (CĐS) và đào tạo nguồn nhân lực số trong giai đoạn hiện nay. Hai là GD&ĐT, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ; những chính sách của tỉnh trong thời gian tới để thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao và chính sách hỗ trợ cho TN khởi nghiệp, sáng tạo; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, dịch vụ; cơ chế tạo việc làm cho TN. Ba là rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho TN.
Bạn Nguyễn Huy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Khối các Cơ quan tỉnh, nêu vấn đề nhận thức, tư duy về CĐS của một bộ phận nhân dân, trong đó có TN còn chưa rõ, chưa đúng, dẫn đến việc triển khai thực hiện chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra. Hoàng bày tỏ mong muốn UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ để TN tham gia hiệu quả hơn vào công cuộc CĐS.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha, xã hội số là trụ cột thứ 3 trong CĐS (cùng với chính quyền số, kinh tế số). Để triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch quan trọng. Đặc biệt, Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã đặt ra 4 mục tiêu để phát triển xã hội số: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; 100% ĐVTN gương mẫu sử dụng và tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ xã hội số.
“TN với đặc điểm là lực lượng trẻ, nhanh nhạy, dễ tiếp cận, nắm bắt công nghệ nên tôi rất mong muốn các bạn sẽ tiên phong đi đầu, tích cực trong việc sử dụng và hướng dẫn mọi người sử dụng các công cụ và dịch vụ trong thế giới số hiện đại, từng bước xây dựng thành công xã hội số trên địa bàn tỉnh”, ông Kha khích lệ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Đoàn và TN phải đi đầu thực hiện chủ trương CĐS. Khi tỉnh thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, TN là lực lượng chính. Việc thay đổi nhận thức của người dân trên lĩnh vực CĐS trông chờ phần lớn vào hành động của TN.
“Tôi mong rằng hoạt động của tổ chức Đoàn sẽ luôn đi bằng 2 chân. Đó là các hoạt động về phong trào và các hoạt động về chuyên môn nghiệp vụ gắn với các hoạt động phát triển KT-XH của tỉnh; tránh tình trạng Đoàn chỉ hoạt động bề nổi, không có chiều sâu”.
Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM ANH TUẤN
“Đây là nhiệm vụ cực kỳ lớn, nặng nề nhưng đầy trách nhiệm và tự hào của tổ chức Đoàn và TN. Với người dân, TN cần hướng dẫn họ sử dụng các nền tảng mà Trung ương, tỉnh xây dựng để kết nối người dân với chính quyền, người dân với DN để giao dịch; hướng dẫn cho người dân biết phần mềm nào xấu, phần mềm nào tốt”, Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Thường xuyên định hướng nghề nghiệp cho TN
Tham gia ý kiến tại buổi đối thoại, chị Lê Mộng Huyền, Bí thư Liên Chi đoàn khoa Kinh tế - Kế toán (Trường ĐH Quy Nhơn) bày tỏ vui mừng và tin tưởng vào định hướng phát triển tỉnh nhà trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, chị Huyền cũng băn khoăn: “Tôi rất mong muốn được lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành cho biết thêm về định hướng đào tạo nghề nghiệp cho TN và cơ hội việc làm cho TN sau khi ra trường”.
Chị Lê Mộng Huyền, Bí thư Liên Chi đoàn khoa Kinh tế - Kế toán (Trường ĐH Quy Nhơn) nêu vấn đề định hướng đào tạo nghề nghiệp và cơ hội việc làm cho thanh niên.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Phụng, tỉnh đang có chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề cao về làm việc tại địa phương, tạo cơ hội việc làm cho các bạn sau khi tốt nghiệp ra trường. Trong đó, các ngành nghề được ưu tiên như: CNTT và truyền thông, KH&CN, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển đô thị, kiến trúc đô thị, quản lý đô thị, các ngành kỹ thuật...
Bên cạnh đó, định hướng của tỉnh là luôn đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề đối với đội ngũ công nhân, người lao động theo hướng gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động và yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Nhất là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề đối với một số lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh (như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật công nghệ...) và phục vụ xuất khẩu lao động.
“Những đề xuất liên quan đến cơ chế, chính sách các TN đề xuất hôm nay, đề nghị các sở, ngành nghiên cứu các quy định của Trung ương, chính sách đặc thù của tỉnh trong phạm vi, khả năng, điều kiện của tỉnh, mạnh dạn xây dựng dự thảo báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND xem xét”.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh HUỲNH THÚY VÂN
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thông tin thêm: Tỉnh đã xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế thì công tác đào tạo nghề sẽ xoay quanh 5 trụ cột này. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào công tác dạy nghề, học nghề ở tất cả lĩnh vực; sẽ chuyển đổi nghề cho rất nhiều lao động để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ đào tạo nghề bằng nguồn lực của tỉnh; yêu cầu DN bỏ kinh phí để đào tạo nghề cho chính công nhân, người lao động của mình.
“Sở LĐ-TB&XH phải định hướng xu hướng nghề nghiệp hằng quý, hằng năm; sau đó chuyển cho Tỉnh đoàn để định hướng cho TN”, đồng chí Phạm Anh Tuấn chỉ đạo.
Làm gì cũng phải có kết quả cụ thể
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nêu ra 4 nhiệm vụ cho cả chính quyền và tổ chức Đoàn: Thứ nhất, tổ chức Đoàn các cấp và ĐVTN phải quan tâm, nắm chắc định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh để cùng tham gia đóng góp ý kiến, sáng kiến, hiến kế. Thứ hai, TN phải tiên phong trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh CĐS mà trọng tâm là tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng. Thứ ba, tổ chức Đoàn phải tích cực đồng hành với TN trong khởi nghiệp, lập nghiệp; UBND tỉnh sẽ hỗ trợ bằng chính sách xã hội hóa, chính sách của nhà nước và các hoạt động về kinh tế. Thứ tư, đẩy mạnh chăm lo, hỗ trợ TN học nghề, đào tạo nghề theo định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là TN ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện về nguồn lực, hỗ trợ cho các hoạt động của tổ chức Đoàn và ĐVTN. Hằng quý, UBND tỉnh sẽ làm việc với Tỉnh đoàn và các cơ sở Đoàn. Ngoài việc lắng nghe, giải quyết các đề xuất, tỉnh cũng sẽ tiếp thu các sáng kiến của ĐVTN, thông tin về hoạt động của chính quyền đến TN.
“Tỉnh đoàn và các cấp bộ Đoàn trong tỉnh phải có kế hoạch cụ thể triển khai những nhiệm vụ này; có hình thức khen thưởng, kỷ luật, gắn với trách nhiệm. Tránh tình trạng nói nhưng không làm, hoặc làm nhưng không có kết quả cụ thể”, đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
HỒNG PHÚC - CHƯƠNG HIẾU