NSƯT Ðào Duy Kiền với ca khúc sân khấu tuồng
NSƯT Ðào Duy Kiền, sinh năm 1942, quê ở tỉnh Quảng Trị bước vào nghề tuồng từ năm 1961. Với hơn 40 năm hành nghề với vai trò chính là chỉ huy dàn nhạc, từ Ðoàn tuồng Liên khu V - Nhà hát tuồng Nghĩa Bình đến Nhà hát tuồng Ðào Tấn (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Ðịnh), ông là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tuồng Bình Ðịnh.
Đào Duy Kiền, người nghệ sĩ đa tài, đa năng
NSƯT Đào Duy Kiền đã sáng tác nhạc cho hơn 50 vở tuồng, nhiều vở đi tham dự nhiều kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đã được trao giải thưởng cao, dàn nhạc do ông chỉ huy cũng được tặng bằng khen dàn nhạc xuất sắc. Ngoài ra, ông còn tham gia giảng dạy, đào tạo nhiều khóa học sinh, nhạc công tại Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Bình Định. Là người đa tài, đa năng, có hiểu biết rộng, NSƯT Đào Duy Kiền từng đảm trách nhiều vị trí quan trọng tại nhiều lĩnh vực như nghiên cứu nghệ thuật, đoàn biểu diễn và tham gia công tác quản lý nhà hát với chức vụ phó giám đốc.
Nặng lòng với sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng, NSƯT Đào Duy Kiền dành nhiều thời gian để khảo cứu, chắt lọc kiến văn viết nhiều bài báo, công trình nghiên cứu khoa học, xuất bản một số đầu sách về nghệ thuật tuồng, âm nhạc tuồng. Với nhiều đóng góp xuất sắc, NSƯT Đào Duy Kiền được trao nhiều giải thưởng của các hội nghề nghiệp, của Bộ VH-TT&DL và đặc biệt là Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu dành cho văn học, nghệ thuật của tỉnh Bình Định. Dù gặt hái nhiều thành công, có nhiều đóng góp quan trọng nhưng NSƯT Đào Duy Kiền vẫn chịu khó học hỏi, tìm tòi, chắt lọc tri thức có được từ thực tế nghề nghiệp để trao truyền cho thế hệ đi sau, ngay cả khi đã nghỉ hưu.
Ca khúc lên sân khấu tuồng - một đóng góp lớn
Nhắc đến Đào Duy Kiền, giới học thuật, các nhà nghiên cứu nghệ thuật tuồng sẽ nhắc ngay đến ca khúc lên sân khấu tuồng - một đóng góp lớn của ông với tuồng. Theo NSƯT Đào Duy Kiền, ca khúc tốt, phù hợp sẽ làm phong phú, đa dạng thêm âm nhạc tuồng. Nét mềm mại và bay bổng sẽ bổ túc cho tính bi hùng, bạo liệt, mạnh mẽ của âm nhạc truyền thống, khiến âm nhạc tuồng trở nên phong phú, đa dạng và trọn vẹn hơn. Đặc biệt ca khúc cho tuồng khi đạt chất lượng tốt, đặt đúng vị trí, tình huống kịch sẽ giúp cho vở diễn hay hơn, giúp những người trẻ có sức hiểu biết về tuồng còn hạn chế dễ dàng tiếp cận với vở diễn.
NSƯT Đào Duy Kiền là người đầu tiên đưa ca khúc lên sân khấu tuồng. Năm 1970, khi tham gia xây dựng vở tuồng Sư già và Em bé, ông sáng tác ca khúc Hành khúc lên đường và với tác phẩm này ông được ghi danh là người đầu tiên đưa ca khúc lên sân khấu tuồng thành công. Trước đó các lớp nghệ sĩ tiền bối mới chỉ vận dụng các điệu lý, hò, vè có sẵn trong dân gian vào một vài tình huống thích hợp, chẳng hạn bài Lý thượng dùng cho nhân vật Hồ Nô trong vở Hộ sanh đàn, Lý tang tích, Hò tiếp vận trong tuồng Chị Ngộ.
NSƯT Đào Duy Kiền (người thứ 2 từ phải qua) hướng dẫn nhạc công của Bảo tàng Quang Trung nghệ thuật đánh trống. Ảnh: NVCC
Thấy được tác dụng lớn của việc đưa ca khúc vào sân khấu tuồng, từ đó mỗi khi tham gia dựng vở, NSƯT Đào Duy Kiền đều tìm cách đưa ca khúc lên sân khấu. Trong quá trình sáng tác ca khúc, để tránh tình trạng “lai căn mất gốc”, “gieo vừng ra ngô” làm mất đi đặc trưng của âm nhạc tuồng, ông nghiên cứu, tìm tòi rất lớn cho đầu tư sáng tạo. NSƯT Đào Duy Kiền chia sẻ: Thứ nhất là thủ pháp lấy một câu hay một mô-típ trong nhạc truyền thống tương ứng rồi phát triển lên, nhưng phát triển ở mức độ nào là tùy thuộc vào tài năng của từng nhạc sĩ. Thứ hai là chỉ dựa vào âm điệu nhạc truyền thống mà sáng tác để bám chặt vào nền tảng âm nhạc tuồng cổ điển. Thứ ba là dựa vào âm nhạc dân gian, khi đưa ca khúc lên sân khấu tuồng nên để ý vận dụng đặc trưng âm nhạc vùng miền, chẳng hạn với dòng tuồng miền Trung thì tiếp thu âm nhạc dân gian miền Trung sẽ dễ hoà quyện hơn. Ngoài ra, có thể lấy âm nhạc của từng quốc gia khác nhau để ứng dụng cho phù hợp với tình huống kịch, ví dụ vở Chuyện tình công chúa Sa Mi có thể vận dụng, điểm xuyết giai điệu, tiết tấu của điệu múa lăm vông của dân tộc Lào.
Một ca khúc lên sân khấu thành công trước tiên cần đậm chất tuồng, lời ca hay, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử. NSƯT Kim Thành, người thể hiện thành công nhiều ca khúc sân khấu tuồng do NSƯT Đào Duy Kiền sáng tác, chia sẻ: Khác với ca khúc tân nhạc, không chỉ có chất giọng hay, người thể hiện ca khúc trên sân khấu tuồng nhất thiết phải am hiểu về nghệ thuật tuồng nói chung và chính vở diễn mà mình phục vụ nói riêng. Phải hiểu tình huống đang diễn ra, thậm chí nắm bắt kịp đột biến thăng hoa của người nghệ sĩ đang biểu diễn để có thể cộng hưởng, luyến láy, nhấn nhá câu, chữ phù hợp chính xác.
***
Đến nay, NSƯT Đào Duy Kiền đã sáng tác được hơn 100 ca khúc sân khấu tuồng, trong đó một số ca khúc được giới chuyên môn xem như hình mẫu, được dùng nhiều lần, điển hình là bài Hội mừng chiến thắng thường xuyên xuất hiện sau kết thúc buổi diễn Hát án, tạo cho người nghe phấn chấn, lạc quan với những điều tốt đẹp của hiện tại và tương lai được toát lên từ bài hát. Tháng 8.2022, đánh giá cao những đóng góp liên tục, không ngừng nghỉ của ông với sân khấu, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã vinh danh NSƯT Đào Duy Kiền vì đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
NGUYỄN THÚY HƯỜNG