Hướng đến “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”
Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế của tỉnh theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Đó là yêu cầu quan trọng đặt ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là CTHĐ) vừa được Tỉnh ủy ban hành.
Thu hoạch tôm nuôi tại Khu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Việt Úc - Phù Mỹ. Ảnh: N.H
CTHĐ nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có quy mô sản xuất hàng hóa, sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng trong việc ổn định KT-XH, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của nông dân và cư dân nông thôn; đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền của tỉnh.
Đồng thời, phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gần với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; ANTT, an toàn xã hội được đảm bảo; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, phát triển thương hiệu và đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu các loại nông sản thế mạnh của tỉnh. Xây dựng nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, ANTT, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Để thực hiện thành công mục tiêu, tầm nhìn đó, CTHĐ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng KH&CN tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa.
Cùng với đó là tổ chức thực hiện có hiệu quả các thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao KH&CN; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành nông nghiệp bình quân hằng năm tăng từ 3,2 - 3,6%. Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 4 - 5%/năm.
- Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm.
- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân 10%/năm.
- Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5- 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.
- Toàn tỉnh có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 45% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 65% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 25% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
● Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh NGUYỄN VĂN TRƯỢNG:
Xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại, nông dân văn minh
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả CTHĐ. Trong đó, đáng chú ý là Hội sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương thức, hoạt động hướng mạnh về cơ sở; mở rộng các hình thức tập hợp, đoàn kết, thu hút nông dân, tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng hội viên; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước như: “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, DN, nhà khoa học để tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tư vấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ mới, xây dựng các mô hình trình diễn để hội viên, nông dân áp dụng vào sản xuất. Kịp thời cung cấp thông tin, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa…
● Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thạnh NGUYỄN KẾ ĐẤU:
Phát triển “tam nông” dựa vào các tiềm năng, lợi thế của địa phương
Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Thạnh thống nhất quan điểm chung phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn dựa trên các tiềm năng, lợi thế của huyện theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể để phân vùng sản xuất chuyên canh; khảo sát cụ thể các loại đất sản xuất, đất rừng... để có hướng đầu tư sản xuất chăn nuôi theo hướng thâm canh, công nghệ cao, tạo ra sản phẩm đặc trưng.
Đồng thời, triển khai đồng bộ xây dựng nông thôn mới, chú trọng đặc thù tập quán sản xuất và đất đai thổ nhưỡng của từng địa phương để có hướng đầu tư trọng điểm. Để nâng cao đời sống của người nông dân, huyện chú trọng việc thực hiện các chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản, xây dựng các sản phẩm OCOP. Đầu tư mở rộng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng thâm canh, hữu cơ, VietGAP trong trồng trọt và chăn nuôi.
● Bí thư Đảng ủy xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân) NGUYỄN ĐÔ:
Chú trọng phát triển chăn nuôi vỗ béo bò và thâm canh cây ăn quả
Thực hiện CTHĐ, xã Ân Thạnh đã quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để nắm bắt, hiểu rõ. Xã xác định tập trung tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm là đầu tư chăn nuôi vỗ béo bò, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trên lĩnh vực trồng trọt, xã tập trung phát triển mô hình liên kết giữa nhà nông với DN tiêu thụ nông sản. Giao cho HTXNN hợp đồng với các công ty giống cây trồng để liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống. Phát triển theo hướng thâm canh các loại cây ăn quả mũi nhọn như bưởi, dừa...
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT, ứng dụng công nghệ cao, hướng đến xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, mở rộng thị trường, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh để kêu gọi, thu hút các DN, nhất là DN đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến sâu nhằm tạo cơ sở xây dựng chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản của địa phương.
MAI LÂM - NGUYỄN HÂN (Thực hiện)