Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!
Yes! we can end TB (tạm dịch: Ðúng, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao) là chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống bệnh lao năm nay. Tại Bình Ðịnh, toàn ngành Y tế tỉnh từ bệnh viện chuyên khoa, các BVÐK đến các TTYT, trạm y tế đang tập trung tầm soát phát hiện sớm, tuyên truyền, điều trị để tiến đến thanh toán bệnh lao vào năm 2030.
Chủ động phát hiện, sớm cắt đứt nguồn lây lan
Để phát hiện bệnh lao sớm, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định phối hợp Dự án Quỹ toàn cầu tầm soát chủ động tại các địa phương. Năm 2022, đã thực hiện sàng lọc ở các huyện: Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Cụ thể, đoàn đã chủ động tổ chức khám lưu động tại các khu dân cư, khi có nghi vấn phổi tổn thương do lao, đoàn sẽ lấy mẫu đờm thực hiện xét nghiệm Xpert để có kết quả tại chỗ nhờ xe chuyên dùng lưu động đi cùng.
Bác sĩ của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định khám, tư vấn bệnh nhân lao về liệu trình điều trị. Ảnh: Đ. THẢO
Trong đợt tầm soát mới nhất, Tuy Phước là địa phương phát hiện được nhiều bệnh nhân lao nhất - 13 ca. Y sĩ Nguyễn Thị Bích Dung, khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT huyện Tuy Phước, chia sẻ: Trong đợt tầm soát ấy, chúng tôi khám, chụp X-Quang cho 2.174 người; phát hiện 191 người có nghi vấn phổi tổn thương do lao; xét nghiệm Xpert số này thì phát hiện được 13 bệnh nhân phải điều trị đúng phác đồ. Việc khám phát hiện chủ động như thế này giúp chúng tôi phát hiện bệnh nhân lao để điều trị kịp thời, sớm cắt đứt nguồn lây lan, có lợi cho cộng đồng rất nhiều.
Ông Châu Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, chia sẻ: Năm 2022, chúng tôi tầm soát được 4 địa phương và 1 đơn vị, năm 2023, dự kiến sẽ thực hiện sàng lọc định kỳ 1 lần/năm và sàng lọc bệnh lao đầu vào cho phạm nhân mới nhập trại ở trại giam Kim Sơn; tiếp tục khám sàng lọc bệnh lao trong cộng đồng để tăng cường tầm soát bệnh lao từ nguồn kinh phí Quỹ toàn cầu cho 4 đơn vị: TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ. Cứ cuốn chiếu như vậy thì bệnh nhân lao trong cộng đồng sẽ được phát hiện sớm, điều trị sớm, tiến đến chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Xây dựng hệ thống phòng, chống lao chặt chẽ
Theo ông Châu Văn Tuấn, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, lồng ghép với hoạt động giám sát, đào tạo chương trình chống lao quốc gia. Tiếp tục duy trì hoạt động giám sát 1 quý/lần tại các đơn vị phòng, chống lao. Giám sát xuống nhà bệnh nhân tại tuyến xã. Thực hiện giám sát tất cả xã có bệnh nhân lao kháng thuốc đang điều trị.Tăng cường giám sát 4 chuyên đề/1 lần/năm, gồm: Giám sát công tác xét nghiệm, giám sát lao kháng thuốc, giám sát bệnh nhân lao và lao trẻ em để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Cùng với đó, công tác phát hiện lao kháng đa thuốc và phối hợp lồng ghép lao/HIV, phối hợp y tế công - tư được triển khai sâu rộng và hoạt động hiệu quả. Trong tháng 1 và tháng 2.2023, toàn tỉnh phát hiện 156 bệnh nhân lao các thể, trong đó 88 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới qua hoạt động khám, chữa bệnh hằng ngày tại các cơ sở y tế.
Bên cạnh bệnh viện chuyên khoa, BVĐK, y tế cơ sở có vai trò không nhỏ trong việc điều trị bệnh nhân lao. Trạm Y tế phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn là một trong những đơn vị y tế cơ sở đang thực hiện tốt việc kiểm soát, theo dõi điều trị cho bệnh nhân lao ngoại trú trên địa bàn phường. Chị Lê Thị Minh Ánh, Phó trưởng Trạm Y tế phường Nhơn Phú, chia sẻ: Sau khi tiếp nhận danh sách bệnh nhân lao trên địa bàn, chúng tôi sẽ phụ trách việc tư vấn, theo dõi, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng chỉ định, giữ gìn sức khỏe đúng hướng dẫn. Hiện nay, nhiều người bệnh đã có điện thoại nên việc nhắc nhở, theo dõi cũng tiện hơn, không phải thường xuyên đến nhà như trước kia.
Bác sĩ Võ Đình Phước, chuyên trách lao TTYT TP Quy Nhơn, cho hay: Việc theo dõi bệnh nhân lao ngoại trú do trạm y tế phụ trách. Tại đó, nhân viên trạm y tế sẽ thực hiện theo dõi, nhắc nhở thường xuyên và tư vấn khi bệnh nhân thắc mắc. Trong công tác phòng, chống lao, vai trò của trạm y tế vô cùng quan trọng.
ĐỖ THẢO