Nhiều thành tựu trong xây dựng, phát triển văn hóa đất nước
80 năm qua, dưới ánh sáng của Ðề cương về văn hóa Việt Nam, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đã có những bước tiến tích cực, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hoàn thiện thể chế về văn hóa
Đề cương về văn hóa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Đề cương) đã tạo “ánh sáng” cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm, nỗ lực đổi mới thể chế, chính sách, phương thức quản lý về văn hóa. Hiện Việt Nam đã có 5 luật trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 50 nghị định, 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 thông tư, thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp.
Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thuộc Bộ VH-TT&DL) tổ chức chương trình Ngày hội sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc vào tháng 2.2023. Ảnh: bvhttdl.gov.vn
Qua đó, từng bước tạo ra khuôn khổ pháp lý nhất quán và hợp lý, tạo lập môi trường vận hành thuận lợi cho các hoạt động văn hóa. Đặc biệt, góp phần thể chế hóa và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng, tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa của người dân.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT&DL), sau khi Đề cương ra đời, tùy tình hình thực tiễn, Đảng ta đã ban hành nhiều văn kiện có tính chuyên biệt về văn hóa. Trong đó, từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp đều toát lên tinh thần “dân tộc, đại chúng, khoa học”.
Trong các văn kiện của Đảng tại các kỳ đại hội, văn kiện về xây dựng Đảng, phát triển KH&CN, GD&ĐT, xây dựng đội ngũ trí thức, hoàn thiện thể chế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn... và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nội dung về văn hóa và nội hàm của nó được ghi nhận ngày càng đậm nét, thấm sâu trong mọi mặt của đời sống KT-XH.
TS Nguyễn Thanh Sơn nhìn nhận: Nội dung các văn kiện đã được các cơ quan của Nhà nước thể chế hóa kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần vào công cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc, là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế.
Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Theo TS Trần Thị Tuyết Mai (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội), trong 80 năm qua, Đảng ta kiên trì vận dụng nội dung Đề cương vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước để sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Trước hết, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và toàn dân được nâng lên. Nhân dân thấy được lợi ích của văn hóa đối với sự phát triển đời sống KT-XH, tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Việc xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam có bước chuyển biến quan trọng. Những thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp đang được đề cao.
“Dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, đã dày công xây dựng nền văn hóa mới đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực KH&CN, GD&ĐT, VHNT… Trưởng thành từ trong khói lửa của chiến tranh đến thực tiễn sôi động của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng hôm nay, đội ngũ này ngày càng hùng hậu, có sự kế thừa, phát triển vững chắc qua các thế hệ, đã đóng góp hết sức quan trọng cho đất nước”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
Theo Bộ VH-TT&DL, một số chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam đã từng bước được thể chế hóa, đưa vào các văn bản pháp luật, quy ước, hương ước làng, xã, quy chế, quy tắc, nội quy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, chương trình nghiên cứu... được mở rộng nhằm nhận diện, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của xã hội về hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Rất nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được ghi danh vào danh mục di sản quốc gia, quốc tế, góp phần quan trọng bảo tồn các giá trị lịch sử, giáo dục và nghệ thuật đặc sắc.
Đáng chú ý là đã có nhiều chủ trương đổi mới, chủ động mở cửa hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, mở cửa thị trường văn hóa... Nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế cũng được thực hiện, như Tuần lễ Văn hóa Việt Nam, Ngày Văn hóa Việt Nam và các sự kiện khác.
HOÀI THU