Chủ động các phương án phòng cháy chữa cháy trong mùa hanh khô
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy, làm chết 1 người, bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 1 vụ cháy, tăng 1 người chết và 1 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng hơn 200 triệu đồng.
Đến nay, cơ quan chức năng đã điều tra, làm rõ 4 vụ cháy, trong đó 2 vụ có nguyên nhân do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt; 2 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, cảnh báo: Bình Định đang bước vào mùa hanh khô với nền nhiệt ban ngày tăng cao; trong khi nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tại các cơ quan, đơn vị, DN, hộ dân tăng cao, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất lớn.
Từ kết quả điều tra các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua cho thấy, hầu hết có nguyên nhân là sự thiếu ý thức, chủ quan, sơ suất trong sử dụng lửa, nhiệt của các cơ quan, DN, chủ hộ dân. Khi xảy ra cháy thì chậm triển khai các phương án PCCC, chậm thông báo đến cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp chữa cháy, dẫn đến các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Nhiều cơ sở sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp có kết cấu nhà tiền chế (khung thép, mái lợp tôn, có tấm lót trần bằng mút, xốp, nhựa…) đưa vào hoạt động trong nhiều năm, dẫn đến nhiều hạng mục, hệ thống, thiết bị PCCC xuống cấp, hư hỏng. Một số chủ DN, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, các ban quản lý chợ, trung tâm thương mại chấp hành chưa nghiêm các quy định về PCCC, đặt nặng mục tiêu kinh tế, cắt giảm chi phí đầu tư cho các hạng mục PCCC, trang bị, lắp đặt hệ thống, thiết bị PCCC không bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật. Kinh phí dành cho công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các hạng mục máy móc, thiết bị PCCC&CNCH còn ít, dẫn đến hệ thống trang thiết bị PCCC&CNCH xuống cấp, hư hỏng.
Diễn tập PCCC tại một khu vực dân cư ở phường Bình Định, TX An Nhơn. Ảnh: N.H
Bên cạnh đó, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC&CNCH tại các cơ quan, đơn vị còn yếu kém, hạn chế; nhất là việc đảm bảo công tác thường trực chỉ huy để phát hiện cháy sớm và triển khai chữa cháy chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.
Trước thực tế này, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động tham mưu cho Giám đốc CA tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn PCCC trong mùa hanh khô. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường kiểm tra, hướng dẫn xây dựng phong trào toàn dân PCCC, trong đó tập trung kiểm tra các địa điểm có nhiều nguy cơ cháy nổ như các chợ, trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, các khu dân cư tập trung. Tổ chức cho các đơn vị ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về PCCC; đình chỉ, tạm đình chỉ cơ sở không đảm bảo các điều kiện về PCCC.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tích cực phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, các hạt kiểm lâm, ban quản lý bảo vệ rừng để trao đổi, nắm bắt thông tin, đặc biệt là việc cảnh báo các nguy cơ cháy rừng. Qua đó, hướng dẫn, chỉ đạo các chủ rừng, các đơn vị quản lý rừng tăng cường tuần tra kiểm soát PCCC trong rừng, chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng và phương tiện để khi có cháy rừng xảy ra tổ chức chữa cháy kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.
Để công tác PCCC mang lại hiệu quả cao, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo: Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, DN trong PCCC rất quan trọng. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCCC, người đứng đầu cần chú trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ, xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động PCCC; quản lý và duy trì hoạt động của các đội PCCC cơ sở hoặc đội PCCC chuyên ngành.
NGUYỄN HÂN