PHƯỜNG HOÀI ÐỨC (TX HOÀI NHƠN):
Ngăn ngừa bạo lực học đường, vi phạm pháp luật ở học sinh
Từ tháng 9.2022 đến nay, trên địa bàn phường Hoài Đức (TX Hoài Nhơn) xảy ra 5 vụ bạo lực học đường, vi phạm pháp luật ở lứa tuổi học sinh (HS). Hầu hết các vụ việc đều liên quan đến mạng xã hội.
Ngày 10.9.2022, do mâu thuẫn trước đó, 3 HS H., T. và D. (ở phường Hoài Đức) chặn đánh em N. (HS ở phường Hoài Xuân). Vừa đánh, nhóm học sinh này còn vừa quay clip tung lên mạng. Nguyên nhân là do em N. nói xấu nhóm này trên Facebook.
CA phường Hoài Đức giáo dục học sinh vi phạm pháp luật. Ảnh: N.G
Có những mâu thuẫn xuất phát từ tệ nạn đã bị cảnh báo, cấm sử dụng trong nhà trường. Ngày 22.12.2022, do mâu thuẫn trong việc hút thuốc lá điện tử giữa H. và C. (đều ở phường Hoài Đức), H. về gọi dì là N. (HS lớp 12 một trường THPT trên địa bàn TX Hoài Nhơn) đến đánh C. Trong tháng 1.2023, T. (SN 2011, HS một trường ở phường Hoài Đức) tự quay clip “nhạy cảm” gửi cho bạn trai, bạn trai này chuyền clip cho nhiều bạn xem.
Ngoài ra, còn có những vụ mượn tiền bạn tiêu xài, không được thì đánh bạn. Hay nhóm HS chuyên trộm cắp tiền và điện thoại của các bạn trong lớp để bán lấy tiền tiêu xài. Với các vụ việc trên, CA phường đã phối hợp với nhà trường phát hiện, phối hợp răn đe, giáo dục, theo dõi, quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái phạm.
Chiều 20.3, Ban chỉ đạo 138 phường Hoài Đức tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc quý I/2023. Ban chỉ đạo đề nghị lực lượng CA lên danh sách những HS từng vi phạm để cùng nhà trường, gia đình theo dõi, giáo dục. Các ngành khác tăng cường giáo dục sức khỏe, giáo dục giới tính, định hướng cho trẻ trong nhận thức xã hội, chú ý các mối quan hệ giao tiếp, sử dụng mạng xã hội…
Ban giám hiệu các trường học thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm. Đồng thời, phối hợp quản lý chặt số học sinh cá biệt, thường xuyên bỏ học, tụ tập cấu kết với một số đối tượng ngoài xã hội có các hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp răn đe, giáo dục.
Theo trung tá Nguyễn Thị Hoài Thương, Trưởng CA phường Hoài Đức, từ những vụ vi phạm pháp luật cho thấy việc sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng mạng xã hội của học sinh cần được phụ huynh và nhà trường quản lý chặt chẽ hơn. Cha mẹ không thể để mặc cho HS ở lứa tuổi THCS thoải mái sử dụng điện thoại; phó thác con cho nhà trường, cơ quan CA… “Không gần gũi, quan tâm giáo dục con em, đến khi có việc xảy ra, phụ huynh thường nói “bất ngờ”, “đâu ngờ””, trung tá Thương nói.
N.GIANG