Những nghệ nhân nặng lòng với di sản
Năm 2022, tỉnh Bình Ðịnh có 3 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 19 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ðây là những người nặng lòng với di sản, đang từng ngày trao truyền cho thế hệ trẻ vốn quý của tổ tiên.
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lê Văn Ru (86 tuổi, ở khu phố Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) là người thông thạo, nắm giữ các kỹ thuật trình diễn nhạc cụ, các làn điệu cũng như các nghi lễ truyền thống của đồng bào Chăm H’roi ở Vân Canh. Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng ông luôn cần mẫn truyền dạy nghệ thuật sử dụng cồng chiêng, trống kơ-toang, các nghi lễ cổ truyền cho đồng bào Chăm H’roi ở địa phương; nhiệt tình tham gia các sự kiện văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức.
Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ru (ngoài cùng bên phải) tái hiện lễ mừng về nhà mới của đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nói về những nỗ lực trong bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm H’roi ở quê mình, NNƯT Lê Văn Ru chia sẻ: “Đời sống hiện đại đã tác động đến sự tiếp nhận văn hóa của lớp trẻ người Chăm H’roi, bây giờ thanh niên ít biết hát, múa, trình diễn nhạc cụ của dân tộc mình. May mắn tôi đã kịp thời dạy lại cho con trai tôi thành thạo các kỹ thuật trình diễn trống kơ-toang, các nghi lễ… và từng bước tập cho các cháu trẻ tuổi hát, múa, biểu diễn cồng chiêng tham gia ngày hội văn hóa, các sự kiện văn hóa để nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Chăm H’roi không bị mất đi”.
Thừa hưởng truyền thống hoạt động nghệ thuật từ gia đình, lại được học hành bài bản tại lớp nhạc công âm nhạc truyền thống Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Nghĩa Bình (nay là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), NNƯT Lý Thành Long (57 tuổi, ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) là một trong những hạt nhân tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật dân ca, bài chòi ở TX Hoài Nhơn. Không chỉ trình diễn và truyền dạy nghệ thuật bài chòi dân gian cho lớp trẻ kế thừa, anh còn nổi tiếng trên lĩnh vực sáng tác câu thai bài chòi cổ; dàn dựng, sáng tác kịch bản dân ca bài chòi.
Nghệ nhân ưu tú Lý Thành Long làm hiệu chính trong một hội bài chòi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
“Được Nhà nước xét tặng danh hiệu NNƯT trong năm 2022, đối với tôi là niềm vinh dự lớn khi cả cuộc đời tôi gắn bó với nghệ thuật bài chòi dân gian. Đây cũng là trách nhiệm để tôi nỗ lực cống hiến hơn nữa trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của quê hương nói chung, phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi dân gian nói riêng”, NNƯT Lý Thành Long bộc bạch.
Với năng khiếu bẩm sinh, cộng với niềm say mê nghệ thuật hát bội, năm 15 tuổi, Nghệ nhân nhân dân (NNND) Hà Thị Hạnh (57 tuổi, ở thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) được thầy là nghệ nhân Nhưn Son dạy nghề và sớm gia nhập gánh hát bội ở địa phương. Hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật hát bội, nghệ nhân Hà Thị Hạnh nắm bắt và trình diễn xuất sắc những dạng vai như đào chiến, đào lẳng, đào bi, đào giả kép; truyền nghề cho nhiều nghệ nhân khác, như nghệ nhân Huỳnh Văn Thanh, Trương Văn Chính (diễn viên Đoàn nghệ thuật hát bội Trần Quang Diệu; do nghệ nhân Hà Thị Hạnh và chồng là nghệ nhân Phan Ngọc Bạn thành lập).
Nghệ nhân nhân dân Hà Thị Hạnh biểu diễn hát bội. Ảnh: HOÀNG VÂN
NNND Hà Thị Hạnh chia sẻ: “Mấy mươi năm qua, nghệ thuật hát bội đã ngấm sâu vào tim tôi. Danh hiệu NNƯT, giờ là NNND được Nhà nước xét tặng là niềm động viên tinh thần rất lớn để tôi tiếp tục cống hiến giữ nghề. Song tôi cũng có nhiều trăn trở về việc tìm lớp trẻ để dạy nghề hiện rất khó, các nghệ nhân gạo cội thì lớn tuổi; các đoàn hát bội không chuyên đang hoạt động góp phần giữ gìn di sản nghệ thuật hát bội vẫn chưa có những chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân phù hợp…”.
3 nghệ nhân Bình Định được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân năm 2022:
1. Lê Văn Cảnh (Lê Xuân Cảnh, võ cổ truyền), ở khu phố Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn
2. Hà Thị Hạnh (Kim Hạnh, hát bội), ở thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn
3. Hồ Văn Sừng (Hồ Sừng, võ cổ truyền), ở thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn
19 nghệ nhân Bình Định được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2022:
1. Lâm Ngọc Ánh (võ cổ truyền), ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn
2. Nguyễn Văn Bình (hát bội), ở khu phố Nhuận An Đông, phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn
3. Đặng Thị Huệ (Kim Huệ, hát bội), ở khu phố Hòa Nghi, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn
4. Võ Thanh Hùng (võ cổ truyền), ở khu phố Đệ Đức 3, phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn
5. Nguyễn Thị Ngọc Hương (dân tộc Chăm H’ roi, nghệ thuật Pa-kơ-toan (trống đôi), ở khu vực Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh
6. Phạm Thị Kiều (Hoàng Kiều, bài chòi), ở thôn Phong An, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát
7. Đinh Kim (Đinh Chớc, dân tộc Bana, trình diễn lễ hội truyền thống), ở làng M2, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh.
8. Phạm Lau (nhạc công cổ truyền), ở khu phố Phú Hậu, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát
9. Lý Thành Long (bài chòi), ở khu phố 2, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn
10. Võ Thanh Lương (võ cổ truyền), ở khu phố Đệ Đức 2, phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn
11. Phạm Thị Phương Nga (bài chòi), ở khu phố Tân Hòa, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn
12. Lê Thị Oanh (Kiều Oanh, hát bội), ở khu phố Mỹ Hòa, phường Đập Đá, TX An Nhơn
13. Bùi Thị Kim Oanh (hát bội), ở khu phố Lại Khánh, phường Hoài Đức, TX Hoài Nhơn
14. Trần Hữu Phước (bài chòi), ở thôn Đông, xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn
15. Trần Thị Quý (Lệ Hoa, hát bội), ở khu phố Phò An, phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn
16. Lê Văn Ru (dân tộc Chăm H’ roi, trình diễn nhạc cụ dân tộc), ở khu phố Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh
17. Bùi Văn Trinh (Hoàng Trinh, hát bội), ở thôn Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn
18. Lý Xuân Vân (võ cổ truyền), ở phường Đập Đá, TX An Nhơn
19. Thái Hùng Vinh (Phi Long Vinh, võ cổ truyền), ở thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước
ĐOÀN NGỌC NHUẬN