Qua cầu Bến Gỗ mà kinh
Có việc phải qua cầu Bến Gỗ (bắc ngang qua sông Hà Thanh nối tổ 62, khu vực 7, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn với thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) tôi hết sức đắn đo. Chứng kiến cảnh người dân vượt sông Hà Thanh trên chiếc cầu chông chênh nửa trên cạn, nửa chìm dưới nước, lại thấy người phản ảnh sự việc cho Báo Bình Định dùng chữ “liều mình” thật không phải là quá lời.
Cầu Bến Gỗ dài khoảng 100 m, rộng chừng 1,5m; ghép bằng gỗ, tre nứa, chằng buộc bằng đủ thứ sợi thép và có cả… lốp xe đạp… Nó cũ kỹ, ọp ẹp, xộc xệch và yếu đến nỗi một nửa chiếc cầu nằm dưới mặt nước, một nửa nhô được lên trên mặt nước một tí. Khi qua cầu, ai cũng phải dò dẫm từng bước bởi nguy cơ sẩy chân té xuống sông luôn chực chờ.
Có khoảng 1.000 hộ dân thường xuyên qua lại trên cây cầu này. Hàng ngày vào những lúc cao điểm, mọi người buộc phải xếp thành hàng dài, chờ đợi để luân phiên qua cầu. Đó là ban ngày, còn khi đêm xuống, do ở đây không điện chiếu sáng nên nguy cơ xảy ra tai nạn còn lớn hơn nhiều. Đến mùa mưa thì chả ai còn dám nghĩ đến chuyện qua cây cầu này.
Những người dân sống gần đây cho biết, người ở nơi khác về đây gần như quay xe tìm lối khác mà đi, không mấy ai dám đi xe qua cầu. Nhưng tai nạn thỉnh thoảng vẫn xảy ra với cả những người quen đường rành lối. Thường thì cả người và xe rơi xuống sông; nhẹ thì thương tích, sặc nước đến điếng hồn. Nặng thì tử vong và thường cũng do đuối nước. Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở thôn Phổ Trạch, kể: Năm 2008, một người đàn ông khoảng 50 tuổi trượt chân, té xuống cầu, chết luôn. Đến năm 2010, một học sinh cấp 2, trong lúc lúi cúi lấy mũ, chẳng may bị trượt chân, rơi xuống nước chết đuối. Mấy năm gần đây, chuyện người qua lại cầu bị rơi xuống sông xảy ra cũng nhiều, nhưng may mà chưa có ai chết.
Đã nhiều lần cử tri xã Phước Thuận và Nhơn Bình phản ảnh vụ việc và đề nghị hỗ trợ theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng góp công sức, kinh phí để xây cầu Bến Gỗ nhưng đến nay chuyện vẫn còn bỏ ngỏ. Nói về vấn đề này, ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, lý giải: Xã cũng muốn xây dựng một cây cầu mới vững chãi, tạo điều kiện cho người dân đi lại được an toàn; nhưng kinh phí để làm cầu vượt quá khả năng của địa phương. “Không còn cách nào hơn, để giải quyết nhu cầu đi lại cho nhân dân, chúng tôi linh động cho hộ bà Võ Thị Khoa (trú xóm Vạn Trạch, thôn Phổ Trạch), đứng ra làm cầu tạm như kể trên; đến mùa mưa thì tổ chức đưa đò, có thu phí. Do điều kiện cầu còn tạm bợ, nên địa phương sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, quản lý về các điều kiện đảm an toàn cho người dân qua lại cầu”, ông Trinh cho biết thêm.
NHÃ LÂM