Phòng, chống dịch bệnh marburg: Giám sát tại các cửa khẩu, biên giới
Nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh marburg, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong, ngành Y tế Bình Phước đang chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch.
Theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh marburg vừa được Sở Y tế Bình Phước ban hành, đơn vị đưa ra ba tình huống là chưa ghi nhận bệnh, xuất hiện các ca bệnh xâm nhập và dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Các địa phương, cơ quan y tế, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp giám sát trường hợp bệnh tại cộng đồng. Các đơn vị y tế giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống cho người dân; lấy mẫu xét nghiệm và báo cáo, gửi mẫu về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để chẩn đoán xác định bệnh.
Ngành Y tế triển khai quyết liệt các hoạt động giám sát tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ để cách ly, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng; giám sát y tế chặt chẽ đối với những người đi-về từ vùng dịch, những người có nguy cơ và triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Các bệnh viện tổ chức phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, lấy mẫu và xét nghiệm để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát lượng khách du lịch qua các cửa khẩu biên giới giáp Campuchia vào Bình Phước. Trung tâm phối hợp với các đơn vị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường nắm thông tin về khách du lịch, đặc biệt những người đến từ vùng có dịch châu Phi để truyền thông, vận động họ tự giám sát sức khỏe, kịp thời khai báo với cơ quan y tế nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh marburg. Trung tâm phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện giám sát tình hình sức khỏe của những người lao động đang làm việc hoặc xuất phát, trở về từ các khu vực đang có dịch của châu Phi; không tổ chức đưa lao động Bình Phước đến các khu vực đang có dịch.
Chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh vận động nhân dân tự giác khai báo với cơ quan y tế nếu có yếu tố dịch tễ đi-về từ vùng có dịch; đồng thời phát hiện những người có triệu chứng sốt, tiêu chảy, xuất huyết, có yếu tố dịch tễ nguy cơ mắc bệnh marburg để được cách ly, chẩn đoán và điều trị kịp thời; khuyến cáo người dân không đến các khu vực đang có dịch.
Theo Bộ Y tế, marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong đến 88%. Bệnh do virus marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả. Bệnh có thể lây từ động vật sang người, từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch…), hoặc với môi trường, vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc do virus marburg. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 21 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Bệnh marburg chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam.
Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu, gồm: cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh; cửa khẩu phụ Tân Tiến và một lối mở. Tỉnh có 260 km đường biên chung với Campuchia. Bộ đội Biên phòng Bình Phước và các đơn vị liên quan đang tổ chức hàng chục chốt, trạm kiểm soát dọc biên giới vừa đảm bảo an ninh, an toàn vừa phòng, chống dịch bệnh xâm nhập.
Theo PV (TTXVN)