CHÀO MỪNG HỘI NGHỊ KÝ KẾT HỢP TÁC GIỮA UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH VÀ CHÍNH QUYỀN CÁC TỈNH NAM LÀO GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
Hợp tác toàn diện, hiệu quả thiết thực
Hôm nay, 30.3, tại TP Quy Nhơn diễn ra Hội nghị ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Ðịnh và chính quyền các tỉnh Nam Lào giai đoạn 2021 - 2025. Trong những năm qua, hoạt động hợp tác giữa tỉnh Bình Ðịnh với 4 tỉnh Nam Lào là Attapu, Champasak, Salavan, Sekong tiếp tục được thúc đẩy, ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực.
Quan tâm đầu tư cho thế hệ trẻ
Tiếp nối kết quả đạt được từ các giai đoạn trước, những năm qua Bình Định tiếp tục chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho 4 tỉnh Nam Lào. Đây là nhu cầu hết sức cần thiết của các tỉnh nước bạn, vì vậy công tác này càng được quan tâm thực hiện tốt.
Từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2021 - 2022, Bình Định đã cấp 120 suất học bổng cho sinh viên 4 tỉnh Nam Lào sang học tại Trường ĐH Quy Nhơn (108 học bổng đại học và 12 học bổng thạc sĩ); cấp 131 suất học bổng cho sinh viên Lào sang học liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng nghề và tập huấn nâng cao tay nghề cho giáo viên trường nghề của 4 tỉnh Nam Lào tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn.
Trưởng Ban đại diện lưu học sinh Lào tại Trường ĐH Quy Nhơn Soukpasong Kedsouvannasam chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Định, lãnh đạo nhà trường cùng thầy cô, hội, đoàn thể của tỉnh đối với sinh viên các tỉnh Nam Lào. Chúng tôi không chỉ được tạo điều kiện tốt nhất trong học tập, sinh hoạt mà còn được quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần”.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng tặng hoa, trao học bổng, quà cho sinh viên Lào tại buổi Gặp mặt kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9.1962 - 5.9.2022) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2022). Ảnh: H.THU
Thế hệ trẻ hai bên cũng tiếp tục mở rộng giao lưu, thắm tình đoàn kết hơn. Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức chương trình giao lưu thanh niên Bình Định- Champasak; chỉ đạo các cấp bộ đoàn tổ chức 27 buổi tuyên truyền về lịch sử, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Bình Định - Champasak nhân các dịp kỷ niệm giữa hai nước trong những năm qua. Bên cạnh đó, thành lập CLB Du học sinh Lào tại Bình Định; tạo điều kiện cho sinh viên Lào tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại tỉnh Bình Định.
Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh và các trường cũng quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên Lào trong học tập, sinh hoạt, giao lưu.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh, cho biết: Hội quan tâm tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên các bạn sinh viên Lào đang học tập tại Bình Định, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, hỗ trợ tổ chức các hoạt động có ý nghĩa cho sinh viên Lào đang học tập tại tỉnh Bình Định.
Khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh
Đối với lĩnh vực hợp tác đầu tư, đã có một số DN Bình Định đầu tư, kinh doanh tại các tỉnh Attapu, Sekong, Champasak nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về chế biến gỗ, cao su, cà phê... của các tỉnh Nam Lào.
Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2022, các DN của tỉnh Bình Ðịnh đã đầu tư 11 dự án ở các tỉnh Nam Lào, với tổng vốn trên 48,2 triệu USD. Hầu hết các dự án đều mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, được lãnh đạo các tỉnh bạn đánh giá cao.
Riêng Công ty Dược phẩm CBF (thành lập từ năm 1995, là dự án liên doanh giữa Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) với Xí nghiệp Dược phẩm Champasak) được xem là mô hình mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào cũng như hai tỉnh kết nghĩa Bình Định - Champasak. Công ty đã tuyển dụng lao động ở vùng còn nhiều khó khăn của Lào, hỗ trợ điều kiện ăn, ở và tạo thu nhập tốt để họ chuyên tâm làm việc. Bidiphar đã cử nhiều cán bộ, nhân viên kỹ thuật sang hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân Lào.
Theo Tổng Giám đốc Bidiphar Phạm Thị Thanh Hương, Công ty đã chuyển giao để phía Lào làm chủ hoàn toàn công nghệ hiện đại ở nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO; tiếp tục tư vấn giúp bạn nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy, cũng như triển khai các biện pháp kỹ thuật mới, phát triển sản phẩm mới. Công ty CBF sản xuất rất nhiều loại thuốc thiết yếu, chiếm đến 70% thị phần dược phẩm tại Lào.
Năm 2006, Bidiphar tiếp tục liên doanh thành lập Công ty Cao su hữu nghị Lào - Việt tại tỉnh Sekong, hoạt động hiệu quả, có nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Hai DN này đóng góp tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội ở Lào, như: Hỗ trợ làm đường giao thông, kéo điện vào các nhà dân vùng sâu vùng xa, cùng các sự giúp đỡ thiết thực về giáo dục, y tế.
Ban Đại diện lưu học sinh Lào tại Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức gặp mặt nhân dịp Tết Cổ truyền Bunpimay năm 2021. Ảnh: Sở Ngoại vụ
Mở rộng hợp tác
Hợp tác giữa Bình Định và các tỉnh Nam Lào còn thể hiện hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác. Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã hỗ trợ kinh phí giúp Bộ CHQS tỉnh Attapu và tỉnh Champasak xây dựng, củng cố đơn vị, doanh trại; hỗ trợ một số thiết bị, máy móc; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn sang thăm, khám bệnh, cấp thuốc cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai ở hai tỉnh này.
Thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết, UBND tỉnh Bình Định thường xuyên hỗ trợ 4 tỉnh Nam Lào trong phát triển KT-XH. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bình Định đã cử 38 đoàn công tác thăm và làm việc tại các tỉnh Nam Lào; đón tiếp 56 đoàn công tác 4 tỉnh Nam Lào đến thăm, làm việc tại tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động hợp tác, hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh Bình Định cho 4 tỉnh Nam Lào trong giai đoạn này gần 44 tỷ đồng.
Sở KH&CN Bình Định chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn Sở KH&CN tỉnh Champasak về công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ chuyển giao một số quy trình kỹ thuật, công nghệ phù hợp đối với một số loại cây trồng ở địa phương.
Nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân tỉnh bạn, Sở Y tế tỉnh Bình Định tổ chức đoàn trao đổi kinh nghiệm với Sở Y tế Attapu về các lĩnh vực quản lý y tế, phòng chống dịch, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực y tế, đấu thầu thuốc, sản xuất dược phẩm… Đồng thời, cử 2 bác sĩ (khoa ngoại, khoa sản) sang hỗ trợ kỹ thuật tại tỉnh Attapu; tiếp nhận 2 bác sĩ, điều dưỡng của tỉnh Attapu sang tập huấn tại tỉnh Bình Định.
Sở Công Thương Bình Định trao đổi thông tin với Sở Công Thương của các tỉnh Nam Lào; phối hợp mời gọi DN tham gia website thương mại điện tử nhằm kết nối giao thương giữa DN Bình Định - Nam Lào.
Theo ông Phạm Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở TT&TT, đơn vị đã tổ chức tập huấn cho 8 cán bộ của 4 tỉnh Nam Lào về hoạt động báo chí, phát thanh. Sở duy trì chuyên trang thông tin điện tử Hợp tác Bình Định- Nam Lào với 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Lào; phát hành ấn phẩm tuyên truyền hợp tác Bình Định - Nam Lào “Dấu ấn và triển vọng”.
Hợp tác phát triển du lịch cũng đã có bước khởi đầu giữa hai bên. Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch, ngoài việc tổ chức đoàn đi khảo sát, quảng bá tại các tỉnh bạn, Sở đã đón đoàn famtrip của 4 tỉnh Nam Lào sang tham quan, khảo sát các điểm du lịch của Bình Định. Sở cũng đã thực hiện tái bản Bản đồ du lịch Bình Định ngôn ngữ Việt - Lào và sách thông tin thuyết minh cơ bản về du lịch tỉnh Bình Định ngôn ngữ Việt - Lào, nhằm hướng đến thị trường khách du lịch 4 tỉnh Nam Lào.
HOÀI THU