Chuyện những người “nuôi muỗi, chăn chuột”
“Sống, làm việc và cống hiến cho khoa học với tất cả đam mê” là phương châm của những người làm khoa học ở Khoa Côn trùng thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn.
Nuôi muỗi để phục vụ nghiên cứu khoa học
Khoa Côn trùng đang nuôi giữ và duy trì 5 chủng muỗi, những loài có vai trò chính trong truyền các mầm bệnh truyền nhiễm cho người. Việc duy trì, nuôi giữ các chủng muỗi kể trên khỏe mạnh và đạt tiêu chuẩn phòng thí nghiệm là nền tảng để nghiên cứu khắc chế, loại trừ các mầm bệnh mà chúng lây truyền. Do đó đòi hỏi các nhà khoa học phải cẩn thận, tỉ mỉ, tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo loài nào cũng hoàn thành vòng đời phát triển đồng đều, không bị gián đoạn; chẳng hạn như theo dõi nhiệt độ, ẩm độ, chất lượng dinh dưỡng, mật độ, hút máu, tập tính giao cấu, nhu cầu đẻ trứng…
Muỗi là vật chủ trung gian làm lây lan nhiều mầm bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là sốt rét, sốt xuất huyết, Zika, Chikungunya và viêm não Nhật Bản, giữa người với người hoặc từ sinh vật khác đến người. Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới nên nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền rất cao. Mặc dù gần đây các bệnh này đã giảm đáng kể sau những nỗ lực kiểm soát véc tơ của chính phủ nhưng không vì thế mà có thể chủ quan.
Các nhà khoa học đang thu nhặt lăng quăng, thay nước sạch cho bọ gậy. Ảnh: VIỆT HÙNG
Th.s Nguyễn Hồng Sang, Phó trưởng Khoa Côn trùng cho biết: Chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức bởi các véc tơ truyền bệnh vẫn còn tồn tại, có nhiều biến thể vi rút tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe của cộng đồng. Vì vậy, các nhà khoa học phải liên tục nghiên cứu để nắm bắt chính xác sự tồn tại, phát triển của muỗi, vật truyền bệnh cũng như vi rút gây bệnh.
Để nuôi, chăm sóc và theo dõi tập tính những con muỗi bé tý xíu hoàn toàn không đơn giản. Không kể ngày nghỉ, mưa bão hay các ngày lễ, tết, các nhà khoa học đều phải có mặt tại phòng thí nghiệm để duy trì liên tục sự phát triển các đối tượng muỗi đang nuôi. Chị Cao Thị Hồng Toại, thâm niên công tác hơn 20 năm tại tổ Côn trùng thực nghiệm cho biết: Hằng ngày, chúng tôi phải thực hiện các công đoạn như nhặt các con lăng quăng sắp nở thành muỗi cho vào lồng, thay nước sạch và duy trì mật độ bọ gậy thích hợp, canh lượng thức ăn vừa đủ cho bọ gậy.
Để yên cho… muỗi đốt
Để việc nuôi muỗi đảm bảo ổn định, đạt kết quả tốt, các nhà khoa học ở Khoa Côn trùng còn phải giỏi nuôi chuột. Hiện đàn chuột bạch thí nghiệm của Khoa đang ở mức 350 - 400 con, là nguồn cung cấp máu sống để nuôi dưỡng muỗi.
Chị Toại kể, để chuột cấp đủ máu, phải chăm cho chúng thật khỏe. Vì vậy bữa ăn của chuột cũng giàu dinh dưỡng, gồm: Thịt, sữa, cơm, đậu, rau, củ, và cám thực phẩm; đều đặn 2 bữa/ngày.
Trong một số trường hợp đặc biệt, các nhà khoa học sẽ phải nuôi muỗi bằng máu của chính mình. Ảnh: VIỆT HÙNG
Cùng với đó, để giảm dần việc phụ thuộc vào nguồn máu chuột, các nhà khoa học ở đây còn phát triển phương pháp cho muỗi hút máu nhân tạo bằng máu heo đã tách fibrin với 2 loại màng (màng ruột heo và Hemotek) trên hệ thống máy Hemotex. Cho muỗi ăn máu nhân tạo trên hệ thống máy Hemotex là phương pháp tiên tiến, đảm bảo nhanh, đơn giản, nhằm giảm chi phí đầu tư khi phải duy trì số lượng lớn chuột bạch thí nghiệm.
Trong một số trường hợp đặc biệt, các nhà khoa học sẽ phải nuôi muỗi bằng máu của chính mình. Tất cả những người từng nuôi muỗi bằng cách này đều xác nhận, hàng trăm con muỗi đậu kín tay hoặc chân, châm chích, cảm giác rất đau đớn nhưng khó chịu nhất là phải tập yên lặng cho muỗi đốt, nếu vì đau, ngứa mà cử động, những con muỗi đang đốt bị kích thích đột ngột sẽ dễ bị gãy vòi. “Bí quyết” để giảm nguy cơ tai nạn cho muỗi là gãi tay hoặc chân tại những vị trí sẽ cho muỗi đốt trước, để đến khi muỗi đốt, cảm giác khó chịu sẽ giảm đi đáng kể.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại phòng thí nghiệm, các nhà khoa học, kể cả các nhà khoa học nữ, còn thường xuyên có mặt dài ngày tại các vùng sâu, vùng xa, và các vùng trọng điểm nơi đang lưu hành các bệnh do véc tơ truyền để điều tra, giám sát các véc tơ nguyên nhân của bệnh, từ đó tham mưu với lãnh đạo nghiên cứu tìm ra giải pháp phòng chống véc tơ hiệu quả.
HUỲNH LY NA