Truy đến cùng đối tượng truy nã trốn thi hành án
Dù đã bị tuyên phạt mức án tù cụ thể, nhưng trong thời gian chờ thi hành án, không ít đối tượng đã bỏ trốn, làm ảnh hưởng đến công tác thi hành án. Vì vậy, ngành chức năng phải tăng cường nhiều biện pháp để kịp thời xác minh, vận động và truy bắt các đối tượng trốn thi hành án.
Để có thể truy bắt thành công các đối tượng trốn thi hành án, nhất là những đối tượng đặc biệt nguy hiểm, lực lượng CA nói chung và Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (CA tỉnh) nói riêng luôn nắm chắc tình hình, điều tra, xác minh quy luật lẩn trốn của các đối tượng này. Từ đó, củng cố tài liệu, phục vụ công tác truy bắt, truy tìm đối tượng nhanh chóng và hiệu quả.
Điển hình như việc truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Phùng Thị Hơn (SN 1984, ở huyện Hoài Ân) vào ngày 14.3, hay đối tượng Lê Đức Lai (SN 1991, ở huyện Tuy Phước) vào ngày 18.3, lực lượng trinh sát đều mất nhiều thời gian. Bởi 2 đối tượng này liên tục thay đổi chỗ ở, chỗ làm, thậm chí thường xuyên tung tin mình đang ở chỗ này, chỗ kia để đánh lạc hướng cơ quan CA.
Tổ công tác họp bàn phương án bắt đối tượng truy nã trốn thi hành án. Ảnh: Cơ quan CA cung cấp
Trên thực tế, đối tượng truy nã trong giai đoạn điều tra xét xử khác với đối tượng trốn thi hành án bị truy nã, bởi các đối tượng trốn thi hành án đã bị tòa án các cấp tuyên có tội, có mức án cụ thể. Do đó, chấp hành án sớm là cách duy nhất để mình được tự do sớm. Đối tượng Phạm Vương Trí (SN 1992, ở TP Quy Nhơn) liên quan trong vụ án giết người đã bị tòa án tuyên phạt 7 năm tù giam về tội giết người, vừa được gia đình đưa đến cơ quan CA để đầu thú sau một thời gian lẩn trốn.
“Mấy tháng sống lang thang, ăn không ngon, ngủ cũng không yên vì cứ lo sợ bị bắt, nhiều lúc thấy hoang mang. Được gia đình động viên nên tôi quyết định đầu thú, vì trước sau gì cũng phải trả giá cho hành vi sai trái của mình”, Trí nói.
Được biết, từ ngày 15.12.2022 đến nay, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp và CA các đơn vị, địa phương đã tổ chức xác minh, vận động và truy bắt 8 đối tượng truy nã, trong đó có những đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm. Thượng tá Võ Biên Cương, Trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, cho biết, đối với từng đối tượng trốn thi hành án bị truy nã, sau khi đã xác định được nơi ở, nơi làm việc và nắm bắt được quy luật sinh hoạt hằng ngày, phương án truy bắt đối tượng cũng được vạch rõ ngay sau đó.
Để truy bắt hiệu quả đối tượng truy nã, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CA rất chú trọng đến việc vận động đầu thú. Dùng tình cảm, lý lẽ để thuyết phục cũng là cách giúp đối tượng hiểu rõ rằng đã gây ra tội thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cùng với đó, lực lượng CA cũng làm tốt công tác trinh sát; bám cơ sở, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia, phát hiện, tố giác tội phạm. Từ đó, góp phần giảm đối tượng truy nã, kiềm chế sự gia tăng tội phạm, phòng ngừa tái phạm tội, góp phần đảm bảo ANTT ở địa phương.
KIỀU ANH