Nga nêu 10 điều kiện với Ukraine để chấm dứt xung đột
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đã đề xuất danh sách 10 điểm mà chính phủ Ukraine cần thực hiện để chấm dứt xung đột.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 29.3, ông Galuzin cho biết tương lai của Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc Kiev và phương Tây sớm đối mặt với thực tế như thế nào.
Theo ông Galuzin, để mang đến hòa bình cho Ukraine, các lực lượng quân sự của nước này phải rút lui và phương Tây phải dừng tất cả các đợt vận chuyển vũ khí cho Kiev.
Tòa nhà của Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow. Ảnh: AFP
Một số điều kiện được nhà ngoại giao Nga nêu ra đã từng được đề cập từ sau khi xung đột nổ ra vào tháng 2.2022 như: phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, Kiev phải cam kết không bao giờ gia nhập EU hoặc NATO và xác nhận tình trạng phi hạt nhân. Một điều kiện nữa đã được bổ sung vào tháng 10.2022, liên quan đến việc công nhận "các thực tế lãnh thổ mới" - hiểu chung là quyết định của các khu vực Kherson, Zaporozhye, các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk về việc sáp nhập vào Nga.
Ngoài ra, việc đảm bảo sự bảo vệ với ngôn ngữ Nga và quyền lợi của những người nói tiếng Nga cũng như tất cả các nhóm thiểu số khác ở Ukraine cũng nằm trong danh sách của ông Galuzin. Ngoài ra, ông cho biết, Ukraine cần mở lại biên giới với Nga và khôi phục khung pháp lý trong quan hệ với Moscow và các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô.
Lần đầu tiên, Moscow đề cập đến việc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt Nga và "rút lại những nhận định cũng như chấm dứt việc buộc tội Nga, các cá nhân và thực thể hợp pháp của nước này", trong đó bao gồm lệnh bắt gần đây của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) với Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova.
Yêu cầu cuối cùng trong danh sách của ông Galuzin là phương Tây phải chi trả việc tái thiết các cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy trong cuộc xung đột ở Ukraine kể từ năm 2014.
Tương lai hòa bình của Ukraine phụ thuộc vào việc tôn trọng quyền lợi của dân tộc Nga ở nước này, khôi phục quan hệ hữu nghị với tất cả các nước láng giềng, đồng thời quay lại nguyên tắc sáng lập về tình trạng trung lập và không liên minh trong tuyên bố độc lập năm 1990, ông Galuzin nói.
"Tương lai của các vùng lãnh thổ của Ukraine hiện nay nên được quyết định bởi chính những người sinh sống ở quốc gia đó", nhà ngoại giao Nga cho hay.
Moscow sẽ không đơn giản chấp nhận "một quốc gia chống Nga công khai, bất kể biên giới thế nào" là một nước láng giềng, ông Galuzin nói.
"Từ lập trường an ninh, Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác đều sẽ không chấp nhận điều này”.
Trong khi đó, "nền tảng hòa bình" được chính quyền Kiev thông qua bao gồm: Nga phải rút hoàn toàn khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Ukraine tuyên bố chủ quyền, bồi thường thiệt hại chiến tranh và các phiên tòa phải được tổ chức để xét xử tội phạm chiến tranh với quân đội và giới lãnh đạo chính trị ở Moscow.
Theo Kiều Anh (VOV.VN)