Khi tôi là người lính
Chiến trường và đồng đội (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) là tập hồi ký của thiếu tá Đặng Hà Thụy. Cuốn sách dày 460 trang, chia thành 7 chương ghi lại hồi ức của một người lính cách mạng. Máu và nước mắt, nghĩa tình đồng đội thời khó khổ trước hòn tên mũi đạn, thoát chết trong gang tấc được tác giả tái hiện cụ thể, tỉ mỉ và chân thực trong từng lời kể.
Ảnh: NGÔ PHONG
Tác giả Đặng Hà Thụy (SN 1945) sinh ra ở Sài Gòn. Đến tháng 8.1961, ông về quê ở Hoài Nhơn và gia nhập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Với ông, một người trẻ có cha tham gia cách mạng; trực tiếp chứng kiến bao cảnh áp bức bóc lột của quân xâm lược, ý thức của một người con đất Việt trỗi dậy mãnh liệt. Bởi vậy, những ngày đầu đi theo cách mạng là bước ngoặt trong cuộc đời, mở ra những tháng năm dài sống với lý tưởng, trong ấm nồng tình đồng đội.
Ở tập hồi ký này, ông chân thực kể lại bằng nguyên tắc tôn trọng sự thật, gạt bỏ những tô vẽ mỹ miều phấn son. “Tuổi xuân thuộc lớp người thế hệ chúng tôi dường như lịch sử đã sắp đặt là sinh ra để chiến đấu và hy sinh. Chúng tôi không phải là những người hùng như trên phim ảnh thường thể hiện. Chúng tôi cũng chỉ là những người bình thường bằng xương bằng thịt như bao người, cũng từng có những ước mơ khát vọng, những cảm xúc rung động đầu đời chân thực về một tình yêu nam nữ trong trái tim tuổi trẻ bên cạnh tình yêu Đất nước lớn lao”.
Không chỉ là hành trình của đời lính, Đặng Hà Thụy còn trân trọng nhắc nhớ về đồng đội mình, những người từng kề vai sát cánh, hạt muối chia nhau với bao tình cảm chân thành. Nhớ và thương, nên đến ngày hòa bình, chính bản thân ông đã mày mò kết nối, tham gia kiếm tìm hài cốt đồng đội, quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Nên trong hồi ký, người đọc như đồng cảm cùng những dòng tự sự bằng thơ của ông: Tôi vẫn cố lùng sâu theo lối cũ/ Trước hoàng hôn nghe se lạnh gió rừng/ Để nơi đâu lòng đất các anh nằm/ Nghe vọng về âm vang một thời lửa đạn/ Để kẻ mất người còn gặp lại trong tôi/ Để vơi đi niềm yêu thương tiếc nuối...
Qua tập hồi ký, người đọc nhận ra phẩm chất thực sự của một người cộng sản nơi ông và những đồng đội một thời của ông. Khiêm nhường, tự trọng và trách nhiệm. Bởi vậy, người lính ấy luôn đau đáu bao điều, luôn tự nhắc nhở mình với cái tâm nhất quán trong sáng dành tình yêu cho tổ quốc, như cái cách ông giãi bày thẳng thắn trong sách: “Cho đến bây giờ chúng ta đã có độc lập, đất nước thống nhất, người dân có đời sống tốt hơn, dĩ nhiên là chỉ tốt hơn về mặt vật chất so với lúc còn chiến tranh, nhưng còn nhiều mặt so với khi còn chiến tranh thì chưa tốt đâu: Đó là tình người, sự chia sẻ, yêu thương đùm bọc, ý thức trách nhiệm, đồng cam cộng khổ, chăm lo nguyện vọng và quyền lợi của dân...
Vì vậy, hãy cảnh giác với chính mình, hãy tự kiểm nghiệm lại lòng trung thành của mỗi chúng ta với vận mệnh của đất nước!”.
NGÔ PHONG