KỶ NIỆM 48 NĂM GIẢI PHÓNG TỈNH BÌNH ĐỊNH (31.3.1975 - 31.3.2023)
Ðiện ảnh Bình Ðịnh 55 năm phục vụ nhân dân
55 năm qua, Ðiện ảnh Bình Ðịnh đã góp phần tích cực trong tuyên truyền các chính sách của Ðảng và Nhà nước thông qua các buổi chiếu bóng lưu động. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong chấp hành chủ trương của Ðảng, pháp luật Nhà nước.
Cách đây 55 năm, tại đồi Chè (xã Cát Sơn, huyện Phù Cát), đội chiếu bóng đầu tiên của tỉnh Bình Định được thành lập, gồm 5 người do đồng chí Phạm Tuân làm đội trưởng. Đội chiếu bóng được trang bị 1 máy chiếu phim, 1 máy nổ, đèn măng sông, tăng âm, loa cũ và có mặt trên chiến trường để chiếu phim phục vụ động viên tinh thần cho quân dân trong tỉnh kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Điện ảnh Bình Định đã góp phần tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước thông qua các buổi chiếu bóng lưu động. Ảnh: VĂN NHIỀU
Sau năm 1975, UBND tỉnh Nghĩa Bình sáp nhập Đội Chiếu bóng Bình Định và Quảng Ngãi thành Quốc doanh Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh Nghĩa Bình. Năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình tách thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, Điện ảnh Bình Định được đổi tên thành Công ty Điện ảnh - Băng hình Bình Định. Đến đầu năm 2006, UBND tỉnh quyết định tổ chức lại Công ty Điện ảnh - Băng hình Bình Định thành Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Bình Định. Cuối năm 2018, UBND tỉnh quyết định sáp nhập Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Bình Định vào Trung tâm Văn hóa tỉnh và tổ chức lại thành Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh trực thuộc Sở VH&TT (nay chuyển lại mang tên Trung tâm Văn hóa tỉnh).
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Phát hành phim - Chiếu bóng, Trung tâm Văn hóa tỉnh, chia sẻ: “Trải qua nhiều năm tháng, nhiều lần thay tên nhưng Điện ảnh Bình Định vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là với người dân miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn hẻo lánh, vùng bãi ngang, hải đảo”.
Hiện nay mỗi năm, 9 đội chiếu bóng thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh, gồm: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn và Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) tổ chức từ 1.000- 1.200 buổi chiếu phim phục vụ nhân dân. Cùng với các bộ phim giải trí, Điện ảnh Bình Định còn chiếu nhiều phim tài liệu tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ rừng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo... giúp người dân nâng cao nhận thức trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Nhiều, phụ trách đội chiếu bóng huyện Tây Sơn, bộc bạch: “Thời vàng son của Điện ảnh Bình Định đã qua. Bây giờ xã hội hiện đại, người ta có thể tiếp cận với thông tin trong đó có điện ảnh qua nhiều nền tảng kết nối, nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Vĩnh An, Bình Tân, Tây Xuân của huyện Tây Sơn, mỗi lần chúng tôi đến tổ chức chiếu bóng lưu động, bà con rất háo hức đến xem phim, dù bây giờ nhà ai cũng có ti vi, đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề!”.
Ngoài việc phục vụ chiếu bóng theo kế hoạch hằng năm, Điện ảnh Bình Định còn triển khai thực hiện các đợt chiếu bóng phục vụ tuần phim kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh; tuần phim phục vụ thiếu nhi...
Hơn 40 năm gắn bó chiếu bóng lưu động, ông Nguyễn Văn Lưu, phụ trách đội chiếu bóng huyện An Lão, tâm tình: “Nhìn thấy bà con còn thích xem chiếu bóng là chúng tôi còn phục vụ! Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây rất thích xem phim về Bác Hồ, phim tài liệu về đề tài lịch sử, chiến tranh Việt Nam… nên khi nhận phim về chiếu, chúng tôi đề nghị Trung tâm Văn hóa tỉnh cung cấp kho phim tài liệu theo yêu cầu của bà con để về phục vụ”.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chiếu bóng tuyên truyền, theo ông Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, thời gian tới, Trung tâm sẽ rà soát lại hoạt động của các đội chiếu bóng để tham mưu Sở VH&TT có Đề án sáp nhập các đội, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ theo nhu cầu thực tiễn; trong đó, tập trung phục vụ cho người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, đầu tư máy móc, trang thiết bị chiếu bóng hiện đại, bổ sung thêm kho phim mới để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân…
ÐOÀN NGỌC NHUẬN