Khảo sát di tích tháp Hòn Chuông
(BĐ) - Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết, trong hai ngày 31.3 - 1.4, Đoàn công tác do Sở VH&TT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, UBND huyện Phù Cát và xã Cát Tài (huyện Phù Cát); cùng các chuyên gia của Hội sử học Bình Định, tư vấn, kiến trúc sư, nhà khảo cổ ở TP Hồ Chí Minh tiến hành cuộc khảo sát tại khu vực di tích tháp Hòn Chuông (thôn Chánh Danh, xã Cát Tài).
Theo ông Chánh, việc tiến hành khảo sát được thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh. Trên cơ sở các bước khảo sát ban đầu như đường đến khu vực tháp Hòn Chuông, giá trị văn hóa, lịch sử của tháp Hòn Chuông… ngành Văn hóa sẽ có báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh để định hướng các bước đầu tư, xây dựng khu vực tháp Hòn Chuông trở thành điểm đến du lịch văn hóa.
Đoàn khảo sát tháp Hòn Chuông. Ảnh: VĂN ĐỆ
Tháp Hòn Chuông là một trong 8 cụm tháp Chăm ở Bình Định còn tồn tại cho đến ngày nay. Tháp nằm trên một tảng đá to, cao sừng sững giống hình quả chuông, nên có tục danh là Hòn Chuông; tọa lạc ở vị trí cao khoảng 800 m so với mực nước biển. Tháp Hòn Chuông là một trong 22 điểm di tích nằm trên dãy Núi Bà.
Bảo tàng tỉnh đã tiến hành nhiều đợt điều tra, khảo sát, thăm dò nghiên cứu địa điểm tháp Hòn Chuông; sử dụng flycam để quan sát tháp Hòn Chuông. Qua đó, xác định tháp Hòn Chuông có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 8,5 m, cao chừng 7 m; tường tháp xây vát nghiêng vào trong, chân tháp choãi, thân thóp dần từ đáy lên đỉnh tháp; không có hệ thống cửa giả và hoàn toàn không trang trí hoa văn như các tháp Chăm khác ở Bình Định. Phần mái của tháp bị sụp đổ, mặt phía Tây tháp bị sụp đổ khá nhiều, mặt phía Nam và phía Bắc bị mất một phần lớp gạch bên ngoài, mặt phía Đông còn tương đối nguyên vẹn phần tường, chính giữa là cửa ra vào ngôi tháp.
Căn cứ vào loại hình kiến trúc, phân tích các vật liệu kiến trúc tìm thấy xung quanh tháp và dựa vào những cứ liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu ước đoán tháp Hòn Chuông được xây dựng nằm trong khung niên đại sau thế kỷ XI. Tuy nhiên về chức năng xây dựng tháp Hòn Chuông ở một vị trí khó tiếp cận như thế, đến nay vẫn còn là điều bí ẩn cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn.
ĐOAN NGỌC