Chung tay vì phụ nữ và trẻ em vùng cao
Nhằm thực hiện tốt Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cấp hội Phụ nữ phối hợp cùng nhiều đơn vị vận động người dân ở An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Lắng nghe những “tiếng lòng”
Dự án 8 được triển khai với hy vọng đem lại cuộc sống tốt hơn cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Do đó, lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của 2 đối tượng trên là tiêu chí cốt lõi trong quá trình thực hiện dự án.
Bà Phùng Thị Ngọc Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Hội LHPN tỉnh đã thành lập các đoàn khảo sát, lấy ý kiến của hơn 5.200 phụ nữ, người dân và cán bộ xã, thôn tại 5 địa phương triển khai dự án để đưa ra hình thức hỗ trợ phù hợp ở từng nơi. Sau đó, chúng tôi hướng dẫn các cơ sở hội thành lập mô hình gắn với nhu cầu thực tế của phụ nữ và trẻ em”.
Buổi truyền thông về Dự án 8 do Hội LHPN huyện Vân Canh cùng các đơn vị phối hợp thực hiện. Ảnh: Hội LHPN huyện Vân Canh
CLB “Địa chỉ tin cậy cộng đồng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình” tại làng Hà Giao (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) là mô hình như vậy. CLB có 89 phụ nữ tham gia, đa phần là người DTTS. Theo chị Đinh Thị Hải, Chủ tịch Hội LHPN xã, việc thành lập mô hình là để lắng nghe chị em, giúp đỡ kịp thời các trường hợp bị bạo lực gia đình do bất bình đẳng giới.
“Việc vận động số lượng lớn phụ nữ tham gia CLB là để phủ sóng mô hình, giúp chị em tin tưởng tìm đến khi cần sự trợ giúp; tạo mạng lưới để những chị nghĩ mới, làm tốt lan tỏa nhận thức tiến bộ này tới các chị chưa hiểu rõ; từ đó dần phát triển mô hình”, chị Hải nói.
Không chỉ phụ nữ, thông qua dự án, trẻ em cũng được quyền nói lên suy nghĩ, nhu cầu chính đáng của bản thân và các học sinh cùng thế hệ. Sau khi tham gia lớp tập huấn hướng dẫn và vận hành CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” do Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng Hội LHPN huyện Vân Canh tổ chức, em Lê Thành Nam (học sinh lớp 6A4, Trường THCS thị trấn Vân Canh), hào hứng: “CLB ra đời là cơ hội để chúng em thể hiện quan điểm của mình, tự lên kế hoạch thực hiện những dự án nhỏ nhằm giúp các bạn trong trường hiểu rõ hơn về tác hại của việc nghỉ học sớm, tảo hôn; động viên các bạn học tập, sinh hoạt lành mạnh để rèn luyện bản thân”.
Đồng lòng, chung sức
Khác với các mô hình thông thường vốn chỉ có sự tham gia của hội viên phụ nữ, dự án 8 có sự phối hợp của nhiều thành phần xã hội nhằm từng bước vận động thay đổi nếp nghĩ cũ của người dân. Từ đó, góp phần xóa bỏ các định kiến, hủ tục; giải quyết một số vấn đề xã hội cho phụ nữ và trẻ em.
Một trong những mô hình tiêu biểu cho cách làm này được triển khai ở hầu hết các địa phương là tổ truyền thông cộng đồng. Tính đến hiện tại, đã có hơn 60 tổ được thành lập. Các thành viên đều được tập huấn các kỹ năng viết tin, bài; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp xã; lập kế hoạch truyền thông. Mỗi người đóng vai trò là 1 tuyên truyền viên tích cực, tận dụng uy tín, sức ảnh hưởng tại địa phương để thuyết phục người có suy nghĩ chưa đúng, giải thích những hủ tục lạc hậu và cổ vũ, động viên những ai đã thay đổi, có cách nghĩ tiến bộ.
Ông Trịnh Hồng Vinh, Bí thư Đảng ủy xã An Nghĩa (huyện An Lão), cho biết: “Tổ truyền thông cộng đồng nói riêng và dự án 8 nói chung là giải pháp tiến bộ, góp phần giúp chính quyền xã hỗ trợ, quan tâm đến các đối tượng yếu thế nhanh chóng, cụ thể, hiệu quả. Đây cũng là ưu điểm lớn so với việc từng đơn vị tham gia vận động riêng lẻ như trước”.
Song song với việc phối hợp thành lập, duy trì mô hình, hoạt động tuyên truyền cho người dân vùng cao cũng được các bên quan tâm, cùng bắt tay thực hiện. Nhờ đó, gần 70 buổi truyền thông đã được tổ chức với hình thức sân khấu hóa, giao lưu văn nghệ, hội thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, các tình huống giả định xoay quanh nạn tảo hôn, bạo lực gia đình. Cùng với đó, những nội dung cơ bản của dự án cũng được phát bằng tiếng phổ thông và tiếng DTTS trên đài truyền thanh tại các địa phương vùng sâu vùng xa.
Điển hình cho công tác phối hợp là Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh. Tính riêng trong tháng 3 này, Hội đã tập huấn, hướng dẫn triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình” cho 43 cán bộ lãnh đạo huyện, xã, thôn; đại diện ngành, hội đoàn thể; ra mắt 6 tổ truyền thông cộng đồng; phối hợp tổ chức 8 buổi truyền thông, thu hút trên 700 người dân tham dự.
“Sự phối hợp giữa nhiều đơn vị giúp cải thiện chất lượng trong từng hoạt động, đồng thời đưa dự án đến với nhiều người hơn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cách làm này để tăng cường hiệu quả trong công tác triển khai dự án 8, góp phần cải thiện chất lượng sống cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương”, bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết.
DƯƠNG LINH