Học sử từ những chuyến tham quan di tích
Di tích lịch sử là minh chứng sinh động để thế hệ trẻ hôm nay thêm hiểu biết, trân trọng và đến gần hơn với những trang sử hào hùng của dân tộc. Nhận thức được vấn đề này, gần đây, Trung tâm Chính trị huyện Phù Mỹ đã lồng ghép vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng những chuyến về nguồn, tham quan di tích lịch sử, “địa chỉ đỏ” trong và ngoài huyện… để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, đạt hiệu quả giáo dục cao.
Mới đây, chúng tôi có dịp cùng các học viên của lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng (khóa XII) tham quan một số điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phù Mỹ. Điểm dừng chân đầu tiên là Nhà lưu niệm Chi bộ Trà Quang, Chi bộ Hà Ra - Phú Hựu (ở thị trấn Phù Mỹ). Sau khi dâng hương tại Đài tưởng niệm huyện, đoàn 48 học viên di chuyển vào Nhà lưu niệm Chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện. Tại đây, các anh chị dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, đảng viên đi trước. Sau đó, đoàn được cán bộ Trung tâm Chính trị huyện giới thiệu tổng quan về địa điểm lịch sử này; được cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện thuyết minh về di tích; được hướng dẫn quét mã QR-code để tìm hiểm thêm thông tin về các hiện vật.
Học viên tham quan tại Nhà lưu niệm Chi bộ Trà Quang, Chi bộ Hà Ra - Phú Hựu. Ảnh: T.T
Trong số 48 học viên, có nhiều người chưa từng được biết địa điểm lịch sử này. Dừng chân tìm hiểu khá lâu tại bệ trưng bày hiện vật là đồ dùng, vũ khí chiến đấu của chiến sĩ năm xưa, anh Võ Tuấn Công (đối tượng kết nạp Đảng của Trường THCS thị trấn Bình Dương) không khỏi xúc động. Anh chia sẻ: “Tôi từng được nghe rất nhiều câu chuyện về các anh hùng liệt sĩ, nhưng đây là lần đầu tiên được nhìn tận mắt các vật dụng, vũ khí thô sơ của chiến sĩ quê hương mình. Sau chuyến đi này, tôi càng hiểu rõ hơn về công cuộc giữ nước, về sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh”.
Sau khi tham quan Nhà lưu niệm chi bộ đầu tiên của huyện và Khu di tích lịch sử Hố Đá Bàn (xã Mỹ An), chị Lê Thị Mĩ Tín (ở xã Mỹ Đức) cho hay: “Tôi từng đi tham quan, du lịch ở các địa điểm này, nhưng chưa bao giờ được tìm hiểu bài bản, có hệ thống như lần này. Từng địa điểm gắn với quãng thời gian chiến đấu của ông bà, cô chú mình, nên càng xúc động. Sau chuyến đi này, tôi muốn đưa gia đình, các con đi thăm hết các di tích trên địa bàn huyện, tỉnh. Đây chắc hẳn sẽ là chuyến đi bổ ích với các con”.
Còn chị Nguyễn Thị Kim Ly (ở xã Mỹ Thắng) cho biết: “Cùng với các bài học lý thuyết trên lớp, chuyến tham quan thực tế tại các điểm di tích rất thú vị và hiệu quả. Những vật chứng cùng lời thuyết minh về lịch sử giúp chúng tôi củng cố thêm kiến thức đã học; nắm sâu, biết kỹ hơn về lịch sử, về truyền thống địa phương. Từ đó, cố gắng nỗ lực để được đứng vào hàng ngũ của Đảng; cố gắng thực hiện tốt hơn công việc được giao”.
Theo bà Lê Thị Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Phù Mỹ, chương trình đưa lịch sử địa phương vào báo cáo ngoại khóa ở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới được Trung tâm thực hiện trong 2 năm gần đây. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã tổ chức 4 đợt tham quan thực tế cho 210 học viên tham gia tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh và huyện, như: Bảo tàng Quang Trung, Nhà lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc (huyện Tây Sơn); Di tích Gò Vàng (xã Mỹ Hòa); Nhà lưu niệm chi bộ Trà Quang, Chi bộ Hà Ra - Phú Hựu; Khu di tích lịch sử Hố Đá Bàn. Các chuyến tham quan thực tế mang lại hiệu quả, được học viên đánh giá cao. Hầu hết học viên đều bày tỏ sự phấn khởi, tự hào và mong muốn có thêm nhiều chuyến thực tế ý nghĩa như vậy.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu, phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức thêm nhiều chuyến tham quan thực tế tại các điểm di tích lịch sử trong và ngoài huyện, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Từ đó, làm sinh động thêm nội dung giáo dục chính trị; góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống; bồi đắp niềm tin cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, học viên trên địa bàn huyện”, bà Tú nói.
THANH TRỌN