Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Ðông phần đi qua tỉnh Bình Ðịnh:
Thiếu nghiêm trọng đất đắp, thi công nền đường
Sau 3 tháng thi công dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, giai đoạn 2021 - 2025 phần đi qua tỉnh Bình Ðịnh, việc cấp phép mỏ vật liệu phục vụ cho thi công các dự án thành phần vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc.
Đất chưa chuyển đổi, thiếu đất đá thi công
Đến nay, thi công dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa phận tỉnh Bình Định (gọi tắt là Dự án) gồm 3 dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, các nhà thầu vẫn gặp nhiều khó khăn về mỏ vật liệu.
Các nhà thầu đang gặp khó về mỏ vật liệu. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc điều hành gói thầu cho biết: Tổng công ty đã huy động khoảng 50 phương tiện, máy móc, thiết bị triển khai thành 5 mũi thi công cào bóc hữu cơ; đến nay đạt khoảng 50.000 m3. Tại gói thầu này, tổng khối lượng đào khoảng 4,5 triệu m3, khối lượng đắp khoảng 3,5 triệu m3. Trong tổng khối lượng đất đắp thi công nền đường, có khoảng 2 triệu m3 sẽ được lấy từ lượng đất đào; 1,5 triệu m3 còn lại phải lấy từ các mỏ đất. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực dọc tuyến thi công của đơn vị đều đi qua đất rừng trồng, đất ruộng, đất rừng tự nhiên… chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, loại đất, ngay cả các mỏ đất cũng chưa chuyển đổi nên chúng tôi chưa thể tổ chức khai thác đất để thi công.
Theo ông Toàn, vướng mắc lớn của nhà thầu là khối lượng đất điều phối cho công tác đắp nền đường phần lớn nằm trong phạm vi rừng tự nhiên (Km18 - Km21). Khu vực này nhà thầu chưa thể tiếp cận do thủ tục khai thác chưa hoàn thiện và phải chờ cấp có thẩm quyền trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương. Trong khu vực rừng tự nhiên, Km18 - Km21, nhà thầu điều phối đất đắp, tận dụng đá xay nghiền làm móng, mặt đường cho toàn gói thầu với tổng khối lượng khai thác khoảng 1,5 triệu m3, khối lượng tận dụng khoảng 1 triệu m3. Riêng thời gian chuẩn bị phải mất đến 3 - 4 tháng cho nên việc chuyển đổi càng chậm thì tiến độ càng bị ảnh hưởng.
Tại dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, gói thầu XL03 tại TX Hoài Nhơn, theo liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - nhà thầu thi công, nhu cầu đất cần cho gói XL03 khoảng 3,7 triệu m3, Nhà thầu đã khảo sát, tiếp cận được 5 mỏ vật liệu đất. Còn mỏ vật liệu cát nhà thầu tiếp cận các mỏ thương mại nhưng hầu hết mỏ vật liệu đều hết trữ lượng cấp phép khai thác. Nhà thầu đang tiến hành khảo sát và xin cấp phép các mỏ nằm trong quy hoạch dự án với trữ lượng dự kiến khai thác 300 nghìn m3/năm.
Chủ động gỡ khó
Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19.10.2021 điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP, cho phép địa phương được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án trong phạm vi trữ lượng đã được cấp phép. Đồng thời, Nghị quyết 133 có thêm điểm mới - nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu - Chính phủ cho phép các địa phương thực hiện các giải pháp triển khai đồng thời với việc thực hiện thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép khai thác mỏ vật liệu.
Trong các kỳ họp kiểm tra tiến độ Dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng liên tục đề nghị Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 và 85 bàn giao mốc mỏ vật liệu, bãi thải, trạm dừng nghỉ để địa phương tổng hợp, đăng ký vào Kế hoạch sử dụng đất theo quy định, trình kỳ họp HĐND vào tháng 3.2023, nhưng các đề nghị của tỉnh Bình Định vẫn bị treo, chưa có phúc đáp.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Tự Công Hoàng, tỉnh Bình Định không thiếu mỏ vật liệu, trữ lượng để khai thác cũng đảm bảo phục vụ Dự án. Nhưng điểm vướng là Ban QLDA 2 và 85 phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương xác định chính xác khu vực mỏ vật liệu, bãi thải, đường công vụ; khu vực nào do nhà thầu tự thực hiện, khu vực nào do địa phương triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB); xác định rõ và tổ chức bàn giao cọc mốc đối với các mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án thuộc các hạng mục được phê duyệt theo quy định, để các địa phương triển khai công tác bồi thường GPMB đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án. Chính sự chậm trễ của các Ban khiến nhà thầu gặp trở ngại trong thi công, hệ lụy là tiến độ thực hiện GPMB ở 8 địa phương trong vùng ảnh hưởng của Dự án bị chậm trễ theo.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa các nhà thầu thực hiện đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chỉ đạo Sở TN&MT kiểm tra thực địa các mỏ vật liệu, trong 10 ngày làm việc phải có đủ nhận xét hồ sơ đăng ký khai thác, yêu cầu nhà thầu thi công chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ (nếu có) trong thời hạn 7 ngày làm việc. Sở TN&MT tổng hợp kết quả và trình UBND tỉnh xác nhận đăng ký khai thác mỏ vật liệu trong thời gian tối đa 3 ngày làm việc.
UBND tỉnh thống nhất việc sử dụng điểm mỏ TDHN30 (Gò Bà Nông) để phục vụ thi công Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (do Ban QLDA 85 quản lý). Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn làm việc với UBND TX Hoài Nhơn về có phương án giữ lại dải phân cách và cây xanh để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường đối với nhà máy xử lý rác thải theo quy định.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các địa phương nỗ lực hỗ trợ nhà thầu khảo sát các mỏ vật liệu phục vụ công trình, các nhà thầu cũng đang khẩn trương tiến hành khảo sát, đánh giá lại mặt bằng, trữ lượng mới lên phương án cắm mốc GPMB mỏ vật liệu rồi mời địa phương để bàn giao, hy vọng tiến độ của Dự án sẽ có đột phá trong thời gian tới.
HẢI YẾN